Di chỉ khảo cổ học Hòn Cau - Dấu vết của làng cổ

Thứ Ba, 10/12/2019, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Hòn Cau nằm phía Đông Bắc quần đảo Côn Đảo, huyện Côn Đảo, phần lớn là đảo đá, có rừng cây che phủ, phía Tây Nam của đảo có bãi cát hình cánh cung dài 2km. Bên trong là thung lũng thấp, có nguồn nước ngọt, được tạo bởi cát và các mảnh vụn san hô, ốc biển. Đặc biệt ở đây xuất hiện khá nhiều tảng đá gốc có tuổi từ 170 - 270 triệu năm, đây chính là nguồn nguyên liệu chủ yếu để chế tác các loại công cụ của người cổ.

Toàn cảnh khai quật di tích khảo cổ học Hòn Cau, huyện Côn Đảo vào năm 1999.
Toàn cảnh khai quật di tích khảo cổ học Hòn Cau, huyện Côn Đảo vào năm 1999.

Với nguồn thực phẩm dồi dào, có nước ngọt, nằm trên trục đường hàng hải nối giữa đất liền và biển là những điều kiện sống thiết yếu cho các cư dân cổ sinh sống tại đảo Hòn Cau.

Qua các đợt khai quật 1995 - 1999 tại thung lũng Hòn Cau, các nhà khảo cổ học – Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy trong tầng văn hóa nhiều di vật liên quan đến người cổ đã từng sinh sống và những dấu tích của một làng cổ. Các di vật đồ đá gồm: Nhóm các công cụ dạng hạch đá thô và to, hình tứ giác, hình thang, hình chữ nhật; nhóm công cụ ghè đẽo hình mai rùa, hình rìu, hình bàn ủi, cùng với những mảnh tách của đá, tạo nên những loại công cụ đá có hình rìu ngắn, nhóm công cụ ghè đá hình móng ngựa, hình tam giác, tứ giác, những mảnh tước, những phác vật rìu có vai, rìu tứ giác, bôn, công cụ có mũi nhọn, công cụ đá được mài… Bên đó còn phát hiện khá nhiều bàn mài hình phẳng, lõm hình thuyền bằng đá sa thạch, các loại hòn ghè, hòn kê, chày bằng cuội đá biển… Trong đợt khai quật năm 1999, các nhà khảo cổ tìm thấy 1 khuôn đúc rìu đồng, xòe cân và 1 chiếc đục nhỏ, được đúc bằng hợp kim đồng thau, thân dài hẹp ngang, đốc gãy, màu xanh xỉ đồng. Đặc biệt còn phát hiện được một số công cụ được chế tác bằng chất liệu xương và vỏ nhuyễn thể gồm các loại dao mài một mặt, mũi lao ngạnh bằng xương thú, công cụ vảy ốc hình mặt trăng dùng để nạo hoặc cắt…

Công cụ đá hình răng trâu được  cư dân cổ chế tác tại công xưởng  Hòn Cau, Côn Đảo.
Công cụ đá hình răng trâu được cư dân cổ chế tác tại công xưởng Hòn Cau, Côn Đảo.

Bên cạnh các hiện vật bằng đá, các nhà khảo cổ thu được hơn 7.000 mảnh gốm cổ với các màu xám, đỏ, với các đồ đựng hay đun nấu như chum, vò, lọ, nồi sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày: đĩa, bát, bát bồng... Hoa văn gốm Hòn Cau được tạo bằng phương pháp bàn dập với các đồ án trang trí khá đẹp mắt. Hoa văn hình nửa hoa chanh, nửa hoa sen, đường viền chéo tạo nên những hình tam giác nối tiếp nhau, hình khắc vạch kết hợp với kỹ thuật đắp nổi. Hầu như tất cả các đồ gốm đều có lớp áo đỏ thổ hoàng cả trong lẫn ngoài. Thân đồ đựng được trang trí văn thừng săn, thừng lỏng kiểu văn in mai rùa, văn đập không thừng ít. Phần vai được trang trí mô típ chủ đạo là đai đơn, đai kép đôi, kép ba nổi rồi ấn khía vạch. Bên trong các dải đai đắp nổi thường vạch chéo song song. Đồ gốm chủ yếu được chế tạo bằng nặn tay kết hợp với bàn đập hòn kê, nung ngoài trời, gốm đỏ màu thổ hoàng, mặc dù nhiều mảnh đã bị bong mất lớp áo. Gốm Hòn Cau có cùng những  đặc điểm, chất liệu, màu sắc và loại hình với gốm các điểm: Hàng Dương, Cồn Miếu Bà, Bàu Sen trên đảo lớn Côn Đảo.

Dựa vào các kết quả nghiên cứu, các nhà khảo cổ bước đầu nhận xét các cư dân cổ Hòn Cau đã có những mối quan hệ rộng rãi với các nhóm cư dân đồng đại với đất liền ở vùng Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ Việt Nam thuộc văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại từ 3.000 - 2.500 năm, cách ngày nay. Trong thời gian này cư dân Hòn Cau đã ở vào thời đại văn minh - thời đại đồ sắt với nền kinh tế sản xuất, giao lưu, giao thương hàng hóa khá phát triển. Bên cạnh nghề chăn nuôi và nghề khai thác thủ công hải sản ven bờ với các loại đồi mồi, vích, ốc biển, cá biển…

NGUYỄN TÂM

;
.