Cỏ May - Vòng tay mềm ôm thành phố biển - Kỳ 1: Con sông mang theo nỗi nhớ...

Chủ Nhật, 13/10/2019, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.

Nhìn từ trên không, sông Cỏ May chảy uốn lượn thành hình cánh cung, từ cửa biển Cửa Lấp (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chảy qua cầu Cỏ May rồi đến điểm hòa vào dòng Sông Dinh đổ ra cửa biển Sao Mai - Bến Đình (phường 5, TP.Vũng Tàu), như vòng tay ôm lấy thành phố biển. Cỏ May là con sông quê hương mà người dân BR-VT đi xa đều nhớ. Con sông cũng là chứng tích gợi nhớ về trận đánh oai hùng cách đây hơn 44 năm, vào tháng 4/1975, khi bộ đội ta giải phóng TX.Vũng Tàu.

Tượng đài chiến thắng cầu Cỏ May bên đường Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP.Vũng Tàu. Ảnh: VĂN ANH
Tượng đài chiến thắng cầu Cỏ May bên đường Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP.Vũng Tàu. Ảnh: VĂN ANH

Sông Cỏ May có chiều dài hơn 17km, nơi rộng nhất hơn 35m, nơi sâu nhất hơn 3m chảy qua các vùng đất ngập mặn, với con nước lớn ròng, theo chế độ bán nhật triều của vùng biển vịnh Gành Rái. Sông Cỏ May chảy ngang qua Quốc lộ 51, tạo nên ranh giới tự nhiên giữa TP.Vũng Tàu với TP.Bà Rịa.

Bắc qua sông Cỏ May nối liền TP.Bà Rịa với TP.Vũng Tàu là cây cầu Cỏ May. Hôm nay, từ trên cầu Cỏ May nhìn xuống dòng sông hiền hòa, thơ mộng, có lẽ nhiều cựu chiến binh tham gia trận đánh giải phóng TX.Vũng Tàu (nay là TP.Vũng Tàu) năm xưa chắc không khỏi bùi ngùi xúc động. Sông Cỏ May là nơi ghi dấu chiến tích lịch sử oai hùng về trận đánh quyết định của Trung đoàn 2 - Sư đoàn 3 Sao Vàng giải phóng TP.Vũng Tàu vào tháng 4/1975.  

Hơn 44 năm trước, chiều tối 27/4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 - Sư đoàn 3 Sao Vàng di chuyển theo đường 15 (nay là Quốc lộ 51) tiến đến đầu cầu Cỏ May phía bên bờ TX.Bà Rịa. Thời điểm này, phía bên bờ TX.Vũng Tàu, địch có khoảng một Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến với xe tăng, thiết giáp và công sự, lô cốt vững chắc. Trước khi tháo chạy khỏi Bà Rịa xuống Vũng Tàu, địch đã phá sập cầu Cỏ May vào chiều 27/4, đuổi hết ngư dân lên thượng nguồn sông Cỏ May gần 1km, không cho tàu thuyền nào neo đậu gần cầu Cỏ May để đề phòng quân ta sử dụng tàu thuyền của dân vượt sông.

Bình minh trên sông Cỏ May. Ảnh: GIA BẢO
Bình minh trên sông Cỏ May. Ảnh: GIA BẢO

Từ đêm 27 đến rạng sáng 28/4, Tiểu đoàn 3 tổ chức nhiều cuộc vượt sông, nhưng đều bị hỏa lực của địch ngăn chặn. Mỗi lần vượt sông, Tiểu đoàn 3 đều có chiến sĩ bị thương vong do đạn pháo của địch và bị nước cuốn trôi. Trước tình huống diễn ra không thuận lợi tại cầu Cỏ May, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía Đông, lệnh cho Trung đoàn bộ binh 12 tiến ra cửa biển Long Hải, huy động tàu thuyền của ngư dân vượt gần 1.000m qua eo biển rồi dọc theo bờ biển tiến xuống TX.Vũng Tàu.

Khoảng 9 giờ sáng 29/4, khi Trung đoàn 12 vượt qua Cửa Lấp (xã Phước Tĩnh) trên đường tiến xuống Vũng Tàu, một đại đội của Tiểu đoàn 6 tách ra khỏi đội hình Trung đoàn 12 từ phía Đông tiến sang đường 51 như một mũi dao xuyên thẳng vào bên sườn và sau lưng Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến địch đang cố thủ tại phía Nam đầu cầu Cỏ May, bắn cháy 2 xe thiết giáp M113. Bị tiến công bất ngờ từ bên sườn và sau lưng, toàn bộ quân địch cố thủ đầu cầu tháo chạy xuống Vũng Tàu. Chớp thời cơ này, Tiểu đoàn 3 và các lực lượng trên hướng đường 51 ào ạt vượt sông Cỏ May cùng tiến về giải phóng TX.Vũng Tàu chiều cùng ngày.

Tên dòng sông bắt nguồn từ đấu?
Trước năm 1975, sông Cỏ May rất hoang vu, hai bên bờ um tùm lau sậy. Đi bộ vài trăm mét mới có một mái nhà ven sông. Từ thời xa xưa, khu vực này,  hoa cỏ may che kín lối đi xuống sông, nên người dân gọi tên dòng sông là “Cỏ May”. Có lẽ, đây là một trong số ít dòng sông ở nước ta mang tên một loài hoa - loài hoa lãng mạn, gợi nhớ rất nhiều về ký ức tuổi thơ.   

Đã 44 năm trôi qua, nhưng ký ức về cầu Cỏ May ngày ấy chắc không thể nào quên đối với những người cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng. Ngày nay, trên khuôn viên rộng khoảng 1.500m2 phía Nam đầu cầu Cỏ May, cạnh bên đường Võ Nguyên Giáp (phường 12, TP.Vũng Tàu) là Tượng đài Chiến thắng cầu Cỏ May. Đây là nơi ghi dấu lịch sử oai hùng, tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống trên đường tiến công giải phóng Vũng Tàu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975.

GIA BẢO - SƠN KHÊ

(Xem tiếp kỳ sau) 

;
.