Cặp "song sinh" sông Chà Và và sông Rạng - kỳ 1: Làm giàu trên dòng sông quê

Thứ Ba, 08/10/2019, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

Sông Chà Và và sông Rạng nằm trong diện tích tự nhiên của xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Năm xưa, 2 con sông này góp phần tạo thành chiến khu rừng Sác của lính đặc công thủy lẫy lừng chiến công. Hôm nay, trên dòng chảy của sông Chà Và và sông Rạng là các khu vực nuôi trồng thủy sản, hình thành các làng bè dịch vụ du lịch sinh thái hấp dẫn du khách muôn nơi.

Làng nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và.
Làng nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và.

Nhìn trên bản đồ, sông Rạng giao tiếp với một nhánh sông Thị Vải (TX.Phú Mỹ) về phia Bắc, còn sông Chà Và giao tiếp với một nhánh Sông Dinh (đoạn qua TP.Vũng Tàu) về phía Nam. Chiều dài của mỗi con sông chảy trong vùng nội thủy khoảng hơn 10km, sau đó đều tiếp giáp với 2 cửa biển của vịnh Gành Rái. Với vị trí địa lý tự nhiên như vậy, 2 con sông như 2 cánh tay ôm đảo Long Sơn. Vì vậy, người dân Long Sơn vẫn gọi sông Chà Và và sông Rạng là “cặp song sinh” với dòng chảy như dải lụa mềm mại, uốn lượn quanh vùng rừng ngập mặn - “cái nôi” của nhiều loại sinh vật biển phong phú và thảm thực vật thủy sinh đa dạng.

Trước đây, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng quê hương, sông Chà Và và sông Rạng là nơi ghi nhận các trận chiến đấu hào hùng của quân và dân Bà Rịa, Vũng Tàu. Thời ấy, ngoài ngọn Núi Nứa, toàn vùng Long Sơn (lúc đó có tên gọi Bà Trao) là rừng ngập mặn xanh tốt, những kênh rạch đan xen chằng chịt, tạo thành thế trận phòng thủ thiên nhiên thuận lợi, cũng như làm nơi xuất phát của đặc công rừng Sác tiến đánh vào các mục tiêu, cứ điểm quân sự của địch. Lòng người dân Long Sơn cũng luôn hướng về cách mạng, nuôi dưỡng, chở che các chiến sĩ yêu nước. Long Sơn trở thành căn cứ hậu cần vững chắc của đặc công rừng Sác trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Ông Phạm Văn Thông (73 tuổi, ngụ thôn 6, xã Long Sơn), người có nhiều năm làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên dòng sông Chà Và cho biết, từ thời khai hoang lập ấp Bà Trao cho đến xã Long Sơn hôm nay, đa số người dân vẫn mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nuôi thủy sản và làm muối. “Con sông Chà Và và sông Rạng là nơi tạo kế sinh nhai cho bao thế hệ người dân Long Sơn. Bởi, cứ ra sông quăng lưới là được mớ cá, tôm mang về. Những đêm trăng thanh, người dân lại chèo ghe qua các con lạch để giăng lưới bắt cá, tôm. Ban ngày, nước ròng thì lội vào rừng bắt ốc, móc cua trong hang”, ông Thông chia sẻ.

Trước năm 2000, người dân Long Sơn sống chủ yếu dựa vào tự nhiên, tận dụng các hòn đá, kè sông, chân cống tại các đoạn sông, cửa biển để khai thác hàu, cua. Còn các loại cá cũng chủ yếu là đánh bắt từ sông. Cuộc mưu sinh bình dị, đơn giản mang tính tự cung tự cấp là chính. Chỉ thế thôi, cũng đằng đẵng nuôi sống hàng bao đời người của cư dân Long Sơn. Nhưng gần 20 năm nay, người dân Long Sơn nhận thấy lợi thế vị trí gần cửa biển, kín gió, môi trường nước phù hợp, nên sông Chà Và và sông Rạng trở thành nơi lý tưởng phát triển nghề nuôi hàu, nuôi tôm kẹt, nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá chẽm, cá chim… trong các lồng bè trên sông.

Ông Phạm Văn Thông bắt đầu nghề nuôi tôm kẹt từ những năm đầu tiên hình thành nên nghề nuôi thủy sản trên sông. Niềm vui lộ rõ, ánh mắt sáng bừng trên khuôn mặt sạm nắng gió và nhiều nếp nhăn ở tuổi 73, ông Thông nhớ lại những vụ đầu tiên nuôi tôm kẹt lồng bè trên sông Chà Và. Ông kể: “Hồi đó, nước sông trong xanh, mát lành, nguồn thức ăn tự nhiên còn phong phú và đa dạng, tôm phát triển rất tốt. Gia đình tôi nuôi gần 40 lồng tôm, không nhớ chính xác là hàng năm cho sản lượng bao nhiêu tấn sản phẩm, chỉ biết là sau khi thu hoạch vụ nuôi, trừ các chi phí còn bỏ túi được vài trăm triệu đồng. Việc nuôi tôm lúc đó làm chơi - ăn thật, nghĩ lại vẫn còn rất sướng!”.

Năm 2002, gia đình ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ tổ 3, thôn 7) bắt đầu nghề nuôi hàu với diện tích 1ha mặt nước trên sông Chà Và. Vụ đầu tiên, ông Phúc thu hoạch được 70 tấn hàu, bán với giá 6 ngàn đồng/kg, thu được hơn 400 triệu đồng. Đời sống kinh tế của gia đình ông cũng nhờ đó mà dần đổi thay. Năm 2007, thấy mô hình nuôi cá lồng bè hiệu quả, ông Phúc bỏ vốn đầu tư nuôi 40 lồng trên diện tích 2.000m2, sản lượng thu hoạch hơn 20 tấn, lần này ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. “Trước đây, gia đình tôi làm nghề muối, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn thiếu trước hụt sau. Sau khi chuyển sang nuôi hàu, nuôi cá lồng bè mà đời tui mới có dịp được cầm trong tay cùng lúc hàng trăm triệu đồng”, ông Phúc chia sẻ.

Từ khi phát triển mạnh mô hình nuôi hàu, tôm kẹt, các loài cá có giá trị thương phẩm cao, việc nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và và sông Rạng đã dần trở thành nghề chính của nhiều hộ dân Long Sơn trong gần 20 năm qua. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính dòng sông quê hương, có hộ thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Cũng từ đó, vùng đất Long Sơn bắt đầu thay da đổi thịt. Cùng với sự đầu tư của nhà nước phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, người dân đã có điều kiện kinh tế xây dựng nhà kiên cố, mở cơ sở dịch vụ thương mại, tạo nên diện mạo cư dân sầm uất trên đảo Long Sơn hôm nay.

(Còn tiếp)

 Bài, ảnh: TRÚC GIANG - NGỌC BÍCH

 
;
.