Sông Ray - những điều kỳ thú - Kỳ 2: Ký ức nơi cuối dòng sông

Thứ Sáu, 11/10/2019, 20:40 [GMT+7]
In bài này
.

Về hạ lưu, sông Ray uốn lượn quanh những cánh rừng ngập mặn, rồi theo cửa Lộc An đổ ra biển. Nơi cuối dòng sông, những ký ức lịch sử về đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại vẫn còn đó. Tượng đài chiến thắng “Đoàn tàu không số” sừng sững, hiên ngang, như đang chứng kiến cuộc sống mới trù phú, đổi thay từng ngày ở những dải đất ven sông.  

Khu di tích lịch sử Tượng đài “Đoàn tàu không số” Lộc An bên dòng sông Ray. Ảnh: NGỌC BÍCH
Khu di tích lịch sử Tượng đài “Đoàn tàu không số” Lộc An bên dòng sông Ray. Ảnh: NGỌC BÍCH

ĐIỂM CẬP BẾN CỦA “TÀU KHÔNG SỐ”

Nhắc đến những ngày tháng đấu tranh chống Mỹ của Đảng bộ, quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu, không thể nào không nói tới bến Lộc An - điểm cuối của “con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển” nằm cuối hạ nguồn nơi dòng sông Ray đổ ra cửa biển Lộc An. Nơi đây, vào các năm 1963, 1964 và 1965, trong hàng chục chuyến vượt biển của “Đoàn tàu không số” bí mật vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, thì bến Lộc An đã tiếp nhận 3 chuyến tàu cập bến thành công.

Đi tìm chứng nhân lịch sử của “Đoàn tàu không số” vào bến Lộc An năm xưa, chúng tôi đến nhà Anh hùng LLVTND Nguyễn Sơn (SN 1938, nguyên thuyền trưởng tàu 56, Đoàn 759) ở khu phố Hải Sơn, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ. Ông Sơn cho biết, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam thành lập Đoàn 759 - còn gọi là “Đoàn tàu không số”. Ông Sơn là một trong những chiến sĩ đầu tiên của tỉnh được tuyển chọn vào Đoàn 759. Tháng 12/1961, ông Sơn được lệnh cùng đồng đội vượt biển ra miền Bắc để chuẩn bị cho việc vận chuyển vũ khí vào miền Nam.

Ngày 26/9 1963, ông Sơn cùng đồng đội đi trên con tàu gỗ, chở hơn 20 tấn vũ khí xuất phát từ Hải Phòng vượt biển đến vùng biển Vũng Tàu cuối tháng 10/1963. Trong cuộc hải trình đầy hiểm nguy đó, các chiến sĩ điều khiển tàu đã mưu trí vượt qua các tàu tuần tiểu của địch, rồi cập bến Lộc An an toàn. Số vũ khí hơn 20 tấn được bổ sung cho các lực lượng vũ trang chủ lực các tỉnh miền Đông; đồng thời, trang bị cho quân dân địa phương tiến công giải phóng ấp chiến lược, góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử Bình Giã (huyện Châu Đức) năm 1964.

Năm 1995, bến Lộc An đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại đây, Tượng đài chiến thắng “Đoàn tàu không số” đã được xây dựng, đứng sừng sững hiên ngang, ngày ngày soi bóng xuống dòng sông.

HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Bà Dương Thảo Hiền, Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc Sở Xây dựng cho biết, Sở Xây dựng đang lập dự thảo “Kế hoạch quản lý, khai thác hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2035”. Theo dự thảo kế hoạch trên, khu ven biển Lộc An và cửa sông Ray (thuộc địa phận xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) sẽ triển khai các dự án trên tổng diện tích khoảng 670ha, gồm: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Phương Trang do Công ty CP Khai thác du lịch Phương Trang làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 12ha; Dự án Bãi tắm công cộng Lộc An 7,5ha đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; Dự án Học viện bóng đá và khu du lịch nghỉ dưỡng do Công ty CP Đầu tư Thương mại Nhất Anh làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 27ha (đang triển khai); Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Mỹ do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 16ha; Khu du lịch và hậu cần nghề cá kết hợp tránh trú bão do Công ty TNHH SX-TM-XD Hưng Phát làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 7ha (dự án đang triển khai). Ngoài những dự án hiện hữu, tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, thương mại, cảng…

Tại khu vực phía Đông sông Ray thuộc địa phận xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, có tổng diện tích khoảng 300ha, sẽ phát triển các khu nhà ở nông thôn kiểu mẫu kết hợp sản xuất nông nghiệp; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hệ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ khu nhà ở theo quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch sử dụng đất.

Còn ở khu vực phía Đông sông Ray tại xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, có tổng diện tích khoảng 135ha, phát triển các khu nhà ở nông thôn kiểu mẫu kết hợp sản xuất nông nghiệp; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hẹ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ khu nhà ở theo quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch sử dụng đất.

Nơi cuối của dòng sông, chúng tôi dừng chân trên cầu Sông Ray gần sát cửa biển Lộc An, nối liền đôi bờ giữa huyện Xuyên Mộc với huyện Đất Đỏ. Cây cầu kiến trúc hình cánh cung rất đẹp, mặt cầu rộng 2 làn xe. Từ cây cầu, nhìn ra bãi biển Lộc An, giữa khung cảnh thiên nhiên rì rào sóng biển, mây trời lộng gió, chúng tôi tin rằng vùng đất ven bờ sông Ray mai đây sẽ không ngừng thay đổi, trù phú hơn.

GIA BẢO, HUYỀN TRANG

 

;
.