.
MỖI TUẦN MỘT VẤN ĐỀ

Không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom

Cập nhật: 16:37, 07/01/2024 (GMT+7)

Đó là khẳng định của PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), chủ nhiệm Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030 khi trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.

● Thưa ông, việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ áp dụng từ khi nào?

- PGS-TS Phùng Chí Sỹ: Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định, việc phân loại CTRSH tại nguồn là bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Còn Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định thì bị phạt tiền từ 500-1 triệu đồng.

Học sinh Trường Tiểu học Long Sơn 2 (TP.Vũng Tàu) phân loại rác tại nguồn.
Học sinh Trường Tiểu học Long Sơn 2 (TP.Vũng Tàu) phân loại rác tại nguồn.

Thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024.

Khi áp dụng Nghị định 45, hộ gia đình không phân loại CTRSH tại nguồn ngoài việc bị xử phạt hành chính còn có chế tài gì khác không, thưa ông?

 - Căn cứ khoản 2 điều 77 Luật BVMT năm 2020 quy định về việc thu gom, vận chuyển chất CTRSH, cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định. Đồng thời, đơn vị thu gom phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục. Mặt khác, những hộ thải lượng rác thải nhiều sẽ phải trả phí cao, ưu tiên miễn phí cho lượng rác thải đã được phân loại.

Như vậy, người dân phải thực hiện phân loại rác như thế nào để không bị phạt?

- CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, bìa carton, vỏ lon, chai nhựa); CTRSH hữu cơ (rau, thực phẩm dư thừa) và CTRSH khác.

Với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, CTRSH sau khi phân loại phải lưu giữ vào bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom CTRSH sau khi phân loại.

Ông có thể nói rõ hơn mục tiêu của Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030?

- Sau hơn 2 năm phối hợp với Sở TN-MT và các địa phương xây dựng, Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cũng như cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phải áp dụng quy định xử phạt nếu không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn từ ngày 31/12/2024.

Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải nhựa xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; 98% tổng lượng CTRSH ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn. Đối với các huyện nông thôn mới, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn bằng hoặc hơn 40%. Đối với các xã nông thôn mới, tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý theo quy định đạt hơn 90%, đối với các xã nông thôn mới nâng cao thì đạt hơn hoặc bằng 98%… Giai đoạn đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu đưa mục tiêu tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn khu đô thị, nông thôn trên địa bàn đạt hơn 50%.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

QUANG VŨ
(Thực hiện)

.
.
.