.

Doanh nghiệp may mặc, da giày phục hồi sản xuất

Cập nhật: 16:28, 07/01/2024 (GMT+7)

Từ tháng 10/2023 đến nay, các DN may mặc, da giày đã có dấu hiệu phục hồi sản xuất. Tuy chưa lấy lại đà tăng trưởng như trước, nhưng đây là tín hiệu vui khi một số DN đã có đơn hàng đến quý II/2024.

Công nhân Công ty TNHH May mặc Thăng Long trong giờ sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH May mặc Thăng Long trong giờ sản xuất.

Đã có đơn hàng

Từ đầu quý IV/2023 đến nay, Công ty TNHH Giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) chuyên sản xuất và gia công giày dép đã có đơn hàng trở lại. Bình quân mỗi tháng, công ty sản xuất 700 ngàn sản phẩm, tăng 40% so với những tháng trước đó. Ông Phan Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Giày Vĩnh Uy II cho biết, DN đã ký hợp đồng đơn hàng đến quý 1/2024, dù mới chỉ đáp ứng được 80% công suất nhà máy, song đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh tình hình thị trường còn nhiều khó khăn.

Công ty TNHH Chang Chun Vina (CCN An Ngãi, huyện Long Điền) có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất giày thể thao cho một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đang đẩy mạnh sản xuất theo đơn hàng đối tác đã ký hợp đồng.

Ông Nguyễn Thành Chung, đại diện công ty cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới khó khăn đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và công ty cũng chịu ảnh hưởng chung. Tuy nhiên, do xây dựng được mối quan hệ tốt và lâu năm với khách hàng nên công ty chỉ giảm 20% công suất. Hiện nay, mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 17 ngàn đôi giày và đã có đơn hàng đến hết quý II/2024. 

Trong khi đó, bà Hà Thị Thanh Thảo, Tổng Giám đốc hành chính, Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt thông tin, từ quý III/2023, công ty đã có đơn hàng trở lại, giúp công nhân duy trì việc làm, thu nhập. Công ty đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường và đến thời điểm này, đơn hàng cũng đã được ký kết đến quý II/2024.

Công nhân Công ty TNHH LT Garments trong giờ sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH LT Garments trong giờ sản xuất.

Cải tiến quy trình sản xuất, giảm chi phí

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, trong đó có đến 95% hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu như: may balo, túi xách, gia công các loại quần áo, sản xuất sợi… Hàng năm, các DN ngành này đóng góp khoảng 35% vào kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Đây cũng là ngành tạo nhiều việc làm nhất trên địa bàn.

Theo báo cáo của ngành công thương, từ tháng 10/2023 đến nay, các DN ngành dệt may trong tỉnh đã có sự phục hồi nhẹ, kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua từng tháng. Cụ thể, tháng 11/2023 đạt 15,17 triệu USD và tháng 12/2023 tăng lên 33,59 triệu USD. Kim ngạch cả năm 2023 đạt 195 triệu USD. Trong số này phải kể đến một số DN đã có đơn hàng đến quý II/2024 như: Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt, Công ty TNHH Đông Phương-Vũng Tàu, Công ty TNHH Quốc tế Việt An…

Dự báo những khó khăn của ngành dệt may vẫn còn tiếp tục kéo dài sang năm 2024. Do đó, để vượt qua thách thức, các DN tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất, cắt giảm chi phí, hạ giá thành, hướng đến phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường sản phẩm may mặc toàn cầu. Đồng thời, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận, tìm hiểu và thâm nhập thị trường mới cũng là giải pháp giúp DN có được nhiều đơn hàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

.
.
.