.

Cả nước 'vượt gió ngược' thành công

Cập nhật: 18:51, 05/01/2024 (GMT+7)

Dù phải chịu ảnh hưởng của “những cơn gió ngược” như lạm phát, lãi suất neo ở mức cao, suy giảm tăng trưởng, hậu quả dịch bệnh kéo dài, cạnh tranh chiến lược, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới…, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2023 vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Cùng với cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có một năm vượt “cơn gió ngược”, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Nhà thép Khang Thịnh, huyện Long Điền.
Cùng với cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có một năm vượt “cơn gió ngược”, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Nhà thép Khang Thịnh, huyện Long Điền.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao

Theo báo cáo do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày, tình hình kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%).

Thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 ngàn tỷ đồng; đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560 ngàn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD (nhiều nhất từ trước đến nay), góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo với giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, cao nhất từ trước đến nay); cơ bản bảo đảm cung cầu lao động.

Năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững. Trong ảnh: Kỹ sư kiểm tra sản phẩm tại Tổ hợp hóa dầu miền Nam, dự án hơn 5 tỷ USD sẽ vận hành thương mại vào năm 2024 sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững. Trong ảnh: Kỹ sư kiểm tra sản phẩm tại Tổ hợp hóa dầu miền Nam, dự án hơn 5 tỷ USD sẽ vận hành thương mại vào năm 2024 sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676 ngàn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 ngàn tỷ đồng so với năm 2022. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ cấu lại nền kinh tế 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, kết quả đạt được là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Do đó, Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, quy mô GRDP trừ dầu khí ước năm 2023 gần 9,36 tỷ USD, tăng 6,44% (tăng 5,75% nếu tính theo giá so sánh 2010) so với cùng kỳ năm trước; GRDP bình quân đầu người là 8.078 USD/người/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 95 ngàn tỷ đồng, đạt 107,31% dự toán. Trong đó, thu thuế xuất, nhập khẩu 18 ngàn tỷ đồng, đạt 82,95% dự toán; thu ngân sách nội địa hơn 40.600 tỷ đồng, đạt 94,59% dự toán. Tổng thu ngân sách địa phương hơn 29.600 tỷ đồng, đạt 96,1% dự toán, bằng 94,2% so với năm 2022.

Thứ nhất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác…

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Trong ảnh: Thi công dự án đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT 994) đoạn từ QL 51 đến cầu Cửa Lấp.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Trong ảnh: Thi công dự án đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT 994) đoạn từ QL 51 đến cầu Cửa Lấp.

Thứ ba, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 7-8%, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các hội đồng điều phối vùng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đối ngoại và hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò công tác ngoại giao kinh tế; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng... Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện quyết liệt Đề án 06 trên địa bàn…

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.