NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI: Đẩy mạnh giải ngân vốn giải quyết việc làm

Thứ Năm, 11/11/2021, 19:23 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay sau khi tỉnh gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã xuống các địa phương giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho người dân. Việc giải ngân kịp thời đã đáp ứng phần nào nhu cầu về vốn, giúp người dân có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm sau nhiều tháng tạm nghỉ vì dịch bệnh.

Cơ sở sản xuất túi xách Bảo Hân đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng để thu mua nguyên liệu và sửa chữa một số thiết bị hư hỏng. Cơ sở này đang giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất túi xách Bảo Hân đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng để thu mua nguyên liệu và sửa chữa một số thiết bị hư hỏng. Cơ sở này đang giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương.

Tiếp thêm nguồn lực phục hồi sản xuất

8 giờ 30 phút ngày 11/11, hơn 10 hộ dân phường Long Hương, TP. Bà Rịa tập trung về UBND phường chờ làm thủ tục vay vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh. Đây là buổi giao dịch lưu động được Ngân hàng thực hiện trở lại ở địa phương này sau nhiều tháng giãn cách xã hội. 

Anh Đỗ Văn Dũng (khu phố Hương Điền), là bộ  đội xuất ngũ được vay vốn trong đợt này. Đây cũng là lần đầu tiên anh Dũng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Anh Dũng cho biết, cách đây 10 ngày, anh khai trương tiệm rửa xe và giữ xe hơi. Do thiếu vốn nên anh làm hồ sơ vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn chính sách ưu đãi. Sau khi thẩm định đủ điều kiện, anh được NHCSXH tỉnh giải ngân 50 triệu đồng. Với số tiền này, anh tiếp tục đầu tư thêm thiết bị, phụ tùng cho tiệm rửa xe.

Anh Dũng chia sẻ thêm, số tiền đầu tư vào tiệm rửa xe khá lớn, vì vậy anh mong muốn NHCSXH tạo điều kiện cho anh vay thêm vốn để mua sắm trang thiết bị, giải quyết thêm việc làm cho thanh niên địa phương. Hiện nay, tiệm đang giải quyết việc làm cho 10 lao  động.

Cơ sở sản xuất túi xách Bảo Hân (khu phố Hương Sơn, phường Long Hương) do chị Hoàng Thị Mỹ Dung làm chủ cũng mới hoạt động trở lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Chị Dung cho biết: Khi dịch bùng phát, các đơn hàng xuất khẩu phải dừng lại. Sau nhiều tháng tạm nghỉ, cơ sở gặp nhiều khó khăn. Để duy trì việc làm cho lao động tại địa phương, chị đã chuyển hướng sang tìm mối tiêu thụ trong nước. Ngay sau khi hoạt động trở lại, chị được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để thêm vào thu mua nguyên liệu và sửa chữa một số thiết bị hư hỏng.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất túi xách của chị Dung gia công từ 7.000-10.000 túi xách, cung cấp cho các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh. Cở sở này cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động tại chỗ.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Long Hương, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm kể từ khi tỉnh dừng giãn cách đến nay rất lớn. Trong đợt giải ngân này, Hội đã nhận được 25 hồ sơ đề nghị vay. Do đó, Hội mong muốn NHCSXH phân bổ chỉ tiêu kế hoạch vốn về phường, để phường có cơ sở giải ngân cho người dân.

Thông tin từ NHCSXH tỉnh cũng cho biết, hiện nay hồ sơ đề nghị cho vay vốn giải quyết việc làm còn tồn đọng nhiều, đang chờ bổ sung nguồn vốn để giải ngân.

Để phòng dịch COVID-19, ngay từ cửa ra vào, NHCSXH bố trí nhân viên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, xịt khuẩn và kiểm tra thân nhiệt. Nhân viên giao dịch trang bị kính chắn giọt bắn, mặc đồ bảo hộ y tế. Người dân đến giao dịch được thông báo trước và chia khung giờ. Trong phòng chờ, ai nấy đều giữ khoảng cách an toàn, xa nhau hơn 1m.

Cần tăng thêm hạn mức cho vay

Qua tìm hiểu các hộ được vay vốn cho thấy, hầu hết đều đã sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hiện nay hạn mức cho vay còn thấp, bình quân 36 triệu đồng/người. Do đó, nhiều người mong muốn nâng hạn mức cho vay để có điều kiện mở rộng hoạt động.

Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 3.160 tỷ đồng, tăng 414 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 98,5% kế hoạch tín dụng nguồn vốn trung ương và tỉnh giao. Trong đó, cho 18 DN vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.330 lượt lao động với tổng số hơn 4,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ ngày 23/9, thời điểm  BR-VT thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đến nay tổng doanh số cho vay tăng mạnh. NHCSXH tỉnh đã giải ngân gần 144 tỷ đồng cho 2.753 khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.  

Dự kiến tính đến cuối tháng 11/2021, NHCSXH tỉnh sẽ đạt trên 99,5% chỉ tiêu kế hoạch tín dụng vốn Trung ương và UBND tỉnh giao. “Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội đoàn thể rà soát các chỉ tiêu nguồn vốn năm 2021; Xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2022 trình UBND tỉnh phê duyệt, xem xét bố trí vốn bổ sung góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025”, ông Hoàng cho hay.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.