Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng cao

Thứ Sáu, 11/06/2021, 17:51 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 11/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết việc thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 và đề xuất chính sách cho giai đoạn 2021-2025.

Hiện chăn nuôi nông hộ trong cả nước vẫn chiếm tỷ trọng cao.  Trong ảnh: Trang trại heo tại huyện Châu Đức.
Hiện chăn nuôi nông hộ trong cả nước vẫn chiếm tỷ trọng cao. Trong ảnh: Trang trại heo tại huyện Châu Đức.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau gần 6 năm triển khai Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg, 63/63 tỉnh, thành đã xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai theo 2 hình thức văn bản hướng dẫn riêng hoặc lồng ghép với các chính sách khác. Chính sách hỗ trợ trâu, bò đực giống, gà giống bố mẹ và hỗ trợ tinh heo ngoại tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao, an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng, tăng thu nhập cho người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm của các địa phương. Qua đó, đã góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, ngày càng tăng giá trị sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế. Thị trường sản phẩm gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, đảm bảo nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi; từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, ATTP. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả. Thu nhập của hộ chăn nuôi tăng 5-10%. 

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi như công trình khí sinh học (biogas), sử dụng đệm lót sinh học… đã làm thay đổi nhận thức của người dân, cải tạo môi trường chăn nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra chất đốt phục vụ cho chăn nuôi và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Tại BR-VT, chương trình đã hỗ trợ 7.085 liều tinh bò và vật tư giống bò, các vật tư kèm theo phục vụ công tác phối giống nhân tạo, tỷ lệ phối giống đạt khoảng 70%; hỗ trợ mua heo, trâu bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị gần 6.200 con; 1.200 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ giống bò và dê. Chương trình cũng đã hỗ trợ xây dựng 1.862 công trình khí sinh học với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,8 tỷ đồng. Đến năm 2020, đã có 39,5% số hộ chăn nuôi dưới hình thức nông hộ thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi bằng hình thức biogas, ứng dụng đệm lót sinh học, ứng dụng chế phẩm sinh học.

Từ hiệu quả mang lại của chính sách và thực tế sản xuất hiện nay, nhiều đại biểu ở các địa phương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ bên cạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Chính sách cần cụ thể và có tính khả thi cao để khắc phục những khó khăn, tồn tại như: con giống, chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm hữu cơ và xúc tiến thương mại, cũng như phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: lượng sản phẩm thịt, sữa, trứng của các DN chiếm tỷ trọng 47-48%, còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, chăn nuôi hộ gia đình và đây vẫn là sinh kế của các hộ dân. Theo quan điểm trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn vẫn cần quan tâm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống gắn với phát triển chăn nuôi đặc sản, du lịch sinh thái. “Những đề xuất của các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các DN sẽ được Bộ NN-PTNT tiếp thu, tổng hợp để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách mới về chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi nông hộ theo hướng bền vững và hiệu quả”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

;
.