KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930-14/10/2020)

Giàu lên từ niềm đam mê lao động

Thứ Ba, 13/10/2020, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Với phong trào “Nông dân thi đua, sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trên địa bàn tỉnh đã có hàng ngàn tấm gương nông dân điển hình tiên tiến. Đây là những nông dân chủ động nắm bắt công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, tăng thu nhập và làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình.

Từ phòng trào nông dân SX-KD giỏi, nhiều hội viên nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng.  Trong ảnh: Ông Ngô Văn Hiếu (bìa phải, TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) tại nhà máy sấy lúa của gia đình.
Từ phòng trào nông dân SX-KD giỏi, nhiều hội viên nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng. Trong ảnh: Ông Ngô Văn Hiếu (bìa phải, TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) tại nhà máy sấy lúa của gia đình.

DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Đứng trước cơ ngơi khang trang, hiện đại của gia đình ông Ngô Văn Hiếu (TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc), ít có thể nghĩ rằng, cách đây 10 năm ông từng là hộ khó khăn của địa phương. Với 1ha đất ruộng trồng lúa, mỗi năm chỉ cho thu nhập vài triệu đồng, ông phải bươn chải, làm thuê, làm mướn nhiều nghề mới đủ thu nhập lo cho gia đình. Năm 2011, được vay 50 triệu từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, như được tiếp thêm nguồn lực, ông Hiếu mạnh dạn mua thêm 7ha đất để trồng lúa. Chịu thương, chịu khó và tích cực học hỏi kinh nghiệm làm ăn từ nhiều hộ nông dân khác, kinh tế gia đình ông Hiếu nhanh chóng khấm khá. Với 8ha cho thu hoạch 3 vụ/năm, năng suất trung bình 168 tấn/năm, sau khi trừ các chi phí, ông Hiếu lãi từ 500 triệu đồng/năm.

Với sự nhạy bén trong làm ăn, ông Hiếu nhận thấy, khâu sấy lúa sau thu hoạch trở thành nhu cầu cấp thiết của bà con nông dân. Năm 2013, ông hùn vốn với bạn bè mở xưởng sấy và thu mua lúa với quy mô trên 2.000m2. Hiện nhà máy đang hoạt động với công suất 20 tấn/8 tiếng, thu mua 10-15 tấn lúa/ngày. Lợi nhuận từ nhà máy mang lại trên 500 triệu đồng/năm. Với tổng thu nhập hàng năm khoảng 1 tỷ đồng, gia đình ông Hiếu trở thành hộ khá giả của địa phương. 5 năm liên tục (2016-2020), ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi cấp tỉnh. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo điều kiện cho hơn 10 lao động thường xuyên có việc làm tại địa phương với thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Là nông dân 5 năm liền đạt nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh (2010-2015) và 2 năm liên tiếp (2017-2018) đạt nông dân SX-KD cấp Trung ương, ông Đỗ Văn Tam (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) thành công với mô hình chăn nuôi gà ta theo mô hình trên đệm lót sinh học với những giống gà như: Japfa, Minh Dư, Cao Khanh, Thanh Lương... Đến nay, bình quân mỗi năm ông Tam thu lãi 2,7 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động, giúp đỡ 10 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn mỗi hộ 1.000 con gà giống. “Tôi luôn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật canh tác mới để áp dụng vào sản xuất của gia đình, đồng thời hướng dẫn cách chăn nuôi gà cho nhiều người theo các tiêu chí: chọn giống tốt, tiêm chủng đầy đủ, cho ăn đúng cách, thường xuyên vệ sinh chuồng trại… thì chăn nuôi gà sẽ thu lợi nhiều”, ông Đỗ Văn Tam thông tin.

Ông Đỗ Văn Tam (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức)  nhiều năm liền là nông dân SX-KD giỏi các cấp.
Ông Đỗ Văn Tam (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) nhiều năm liền là nông dân SX-KD giỏi các cấp.

NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” đã trở thành kim chỉ nam tại nhiều địa phương. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một thế hệ nông dân tự chủ, dám nghĩ, dám làm, không ngừng sáng tạo.

Câu chuyện ông Nguyễn Ngọc Hiển (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) là một ví dụ. Lâu nay, việc tưới nước theo phương pháp truyền thống vừa tốn nước, tốn nhiều công lao động song hiệu quả không cao, sau một thời gian nghiên cứu, ông Hiển đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống tưới bù áp với tên gọi Asop. Công nghệ tưới này thích hợp trong việc tưới cây ở những khu vực có địa hình không bằng phẳng. Với giá trị ứng dụng thực tiễn cao, đây cũng là nghiên cứu giúp ông đạt trao giải Nhất tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT năm 2017”.

Ông Hiển cho biết, mục đích của đầu tưới bù áp Asop để đưa nước tưới xa hơn và lưu lượng tưới đồng đều. Theo tính toán của ông Hiển, nếu đầu tư hệ thống tưới bù áp, số lượng gốc cây được tưới tăng gấp đôi hoặc 3 lần so với hệ thống thường. Do đó, chi phí vận hành sẽ rẻ hơn, ít tốn nước hơn và độ hấp thụ nước của cây cũng cao hơn, tuổi thọ của một hệ thống tưới bù áp Asop lên đến 10 năm. Hiện mỗi hệ thống tưới bù áp của Asop đang được bán ra thị trường với mức giá dao động từ 25-65 triệu đồng/ha tùy từng loại cây trồng.

Trong giai đoạn 2016-2020 đã có 227.232 hộ nông dân đăng ký SX-KD giỏi các cấp. Kết quả đã có 157.487 hộ đạt danh hiệu nông dân SSX-KD giỏi, trong đó có 741 hộ đạt cấp Trung ương, 6.452 hộ đạt cấp tỉnh, 35.645 đạt cấp huyện và 114.649 hộ đạt cấp cơ sở.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hoàng (ấp Nam, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) lại sáng tạo thành công máy cắt cỏ dại. Sản phẩm ứng dụng thực tiễn đã giúp nông dân giảm bớt sức lao động và thời gian. Theo đó, với chi phí chỉ khoảng 800 ngàn đồng, ông Hoàng đã mua lại các máy mô tơ cũ vẫn còn sử dụng được, cùng với thanh cắt và tay cầm để tạo thành chiếc máy cắt cỏ dại. Với một máy cắt như vậy, có thể thay thế cho 4 nhân công lao động thông thường. Không chỉ sử dụng cho gia đình, ông Hoàng còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cho nhiều bà con tại địa phương có nhu cầu.

Bà Trương Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, phong trào nông dân thi đua sản xuất tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Từ phong trào, còn xuất hiện các điển hình nông dân sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để góp phần tăng năng suất, giải phóng sức lao động và tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm, Hội nhận được từ 5-7 sáng kiến, sáng tạo của hội viên trên toàn tỉnh, nhiều sáng kiến đã được chứng nhận, đạt giải cấp tỉnh, được đưa vào áp dụng thực tiễn, thúc đẩy nền nông nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
;
.