Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn chưa thoát khỏi "điểm nóng"

Chủ Nhật, 20/10/2019, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

Mặc dù thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm trong hoạt động chăn nuôi vẫn chưa được giải quyết. Để khắc phục bất cập từ hoạt động chăn nuôi, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu chấm dứt hoạt động 100% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường.  

Nước thải chăn nuôi từ trại heo Hòa Hội II (huyện Xuyên Mộc) chảy tràn ra ngoài.
Nước thải chăn nuôi từ trại heo Hòa Hội II (huyện Xuyên Mộc) chảy tràn ra ngoài.

CHƯA KIỂM SOÁT ĐƯỢC Ô NHIỄM

Đầu tháng 10, chúng tôi đến xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc), tại địa bàn xã này, chỉ cách nhau khoảng 100m nhưng có đến 2 trại chăn heo quy mô từ 1.200-2.000 con. Xung quanh trại heo Nhất Tiến Phát và trại heo Hòa Hội II mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nước thải đen ngòm tràn ra môi trường. Điều đáng chú ý, nước thải từ các trang trại này chảy ra suối La Gung về đập Bông Trang tới hồ Sông Hỏa (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc), nơi cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ khu vực huyện Xuyên Mộc với lưu lượng khoảng 5.400m3/ngày đêm. Ông Nguyễn Quốc Nhật, chuyên viên Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc cho biết, 2 trang trại trên đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng hầm biogas. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, hệ thống xử lý nước thải của cả hai trang trại này đều bị hư hỏng, nước thải xả trực tiếp ra bên ngoài, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng. Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc đã báo cáo và đề xuất với Sở TN-MT, đề nghị kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các trang trại chăn nuôi heo tập trung trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải chăn nuôi liên tục bị người dân phản ánh qua các đợt tiếp xúc cử tri. Trong đó, ô nhiễm tập trung ở nhiều trang trại lớn thuộc huyện Xuyên Mộc, Châu Đức và TX. Phú Mỹ như: trại heo Đông Á (TX. Phú Mỹ), trại bò Anh Khải Ký (huyện Xuyên Mộc), trại heo Hoa Anh Đào (huyện Châu Đức)... Trong năm 2018, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu đóng cửa nhiều trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm, nhưng số lượng các cơ sở chăn nuôi vẫn gia tăng nhanh chóng. Thống kê mới nhất của Sở TN-MT cho thấy, năm 2017, số trại heo từ 50 con trở lên khoảng 672 cơ sở, nhưng đến nay đã tăng gần gấp đôi, với l1.153 cơ sở, trong đó cấp tỉnh quản lý chỉ có 25 trại; còn lại 1.130 cơ sở thuộc cấp huyện quản lý.

Một trại chăn nuôi vịt nằm trong khu dân cư xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) gây ô nhiễm môi trường.
Một trại chăn nuôi vịt nằm trong khu dân cư xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) gây ô nhiễm môi trường.

Số lượng các cơ sở chăn nuôi tăng nhanh trong khi việc kiểm soát, ngăn chặn các hộ chăn nuôi heo tự phát của chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa cương quyết. Hầu hết các cơ sở, hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ chưa có công trình xử lý chất thải bảo đảm quy định, do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại. Kết quả thanh tra các trang trại chăn nuôi cho thấy, có 105 trang trại nằm ngoài quy hoạch, trong đó có 64/118 trang trại heo, có 41/85 trang trại gà. Đồng thời, có đến 84 trang trại chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường, trong đó, phần lớn các trang trại đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Cụ thể, đối với chăn nuôi heo, có 58/118 trang trại gây ô nhiễm môi trường, chiếm đến 49,2% số trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

DI DỜI VÀO VÙNG QUY HOẠCH

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, từ nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là “điểm nóng”. Mặc dù tỉnh đã có quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung, song việc di dời vẫn còn gặp khó khăn do nhiều trang trại chăn nuôi đã tồn tại trước khi UBND tỉnh ban hành quy hoạch. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi xen lẫn trong khu dân cư, khu du lịch, trong lưu vực các hồ cấp nước sinh hoạt… nên hoạt động chăn nuôi đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến tháng 6/2019, trong 23/25 trại cấp tỉnh quản lý đang hoạt động, có 15/23 trại đầu tư hệ thống xử lý nước thải sau biogas (tăng 12 trại so với năm 2018); có 4/23 trại đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 4 trại đã đầu tư hệ thống biogas. Đây là nỗ lực rất lớn của DN chăn nuôi và của các cơ quan trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Để thực hiện tốt đề án, UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng tập trung rà soát, gấp rút triển khai kế hoạch thực hiện. Theo đó, sẽ tập trung khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố di dời các trang trại chăn nuôi vào vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung; chấm dứt chăn nuôi trong các khu dân cư, khu đô thị,… hoặc cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Song song với công tác quy hoạch chăn nuôi, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học (giai đoạn 2013-2018) cho 1.662 hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học. Giai đoạn 2019-2020 tỉnh hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học cho thêm 500 hộ chăn nuôi. 

Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra trên địa bàn tỉnh, tháng 3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 506/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh BR-VT giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025”. Tổng số ngân sách thực hiện hỗ trợ di dời, chấm dứt hoạt động các trang trại chăn nuôi là 38,678 tỷ đồng. Đề án được chia thành từng giai đoạn, bắt đầu triển khai từ năm 2019 đến năm 2025. Cụ thể, năm 2019 các sở, ngành và địa phương đang tiến hành rà soát, yêu cầu tất cả các trang trại đang hoạt động nằm trong vùng quy hoạch nhưng gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và xử lý môi trường theo quy định; lựa chọn 8 trang trại chăn nuôi điển hình với kiểu chuồng nuôi hở làm thí điểm di dời. Các trang trại thực hiện thí điểm tại 4 địa phương gồm: TP.Bà Rịa (2 trang trại), TX. Phú Mỹ (3 trang trại), huyện Châu Đức (2 trang trại), huyện Xuyên Mộc (1 trang trại). Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ di dời, chấm dứt hoạt động 100% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.