Du lịch nông nghiệp tìm hướng phát triển bền vững

Thứ Sáu, 27/09/2019, 07:37 [GMT+7]
In bài này
.

Với nhiều giải pháp được triển khai, kỳ vọng thời gian tới, loại hình du lịch nông nghiệp của BR-VT sẽ có những bước đột phá, có thêm nhiều tour, tuyến du lịch chuyên đề được khai thác sâu, tạo điểm nhấn cho từng điểm đến, để thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Du khách tham quan, trải nghiệm quy trình trồng rau sạch tại trang trại rau sạch Vương Huy (huyện Châu Đức). Ảnh: VÂN ANH.
Du khách tham quan, trải nghiệm quy trình trồng rau sạch tại trang trại rau sạch Vương Huy (huyện Châu Đức). Ảnh: VÂN ANH.

Ngày 25/9, Liên hiệp các tổ chức Khoa học Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội thảo kết nối chính quyền, nhà khoa học, DN nhằm bàn các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định, đây là loại hình du lịch đang có tiềm năng lớn, phù hợp để phát triển đối với nhiều địa phương và đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua; cần tiếp tục có sự liên kết để phát triển nhanh, bền vững. Tỉnh cũng xác định, để phát triển bền vững du lịch nói chung, phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nói riêng, không thể không có sự vào cuộc trách nhiệm, tâm huyết của cả cộng đồng, đặc biệt là người dân tại các địa phương.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch nhà vườn, bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan. Nông trại Green Farm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ 3T Plus, tại thôn Sông Xoài 1, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức là một ví dụ điển hình. Nông trại có diện tích 7ha, được đầu tư xây dựng năm 2016 với các phân khu: nhà hàng, khu cắm trại teambuilding, hệ thống nhà sàn, nhà gỗ nằm xen kẽ giữa các tán cây, con suối uốn lượn; khu vườn bưởi da xanh; khu sản xuất dưa lưới theo công nghệ Israel. Bà Bùi Ngọc Tú Thanh, phụ trách vận hành nông trại cho biết, Green Farm không chỉ đầu tư quy trình sản xuất nông nghiệp sạch để cung cấp các sản phẩm bảo đảm chất lượng mà còn liên kết với các nông trại khác như U.S Farm, Binon ca cao, bơ Thái Dương để tạo thành tour du lịch trải nghiệm khép kín; tổ chức các hoạt động văn hóa như biểu diễn cồng chiêng (của dân tộc Châu Ro), hướng dẫn các kỹ năng sống, kỹ năng làm nông nghiệp… để tạo điểm nhấn và dịch vụ cho du khách khi đến Green Farm. Trung bình mỗi tuần, nông trại đón và phục vụ 400 lượt khách, doanh thu trung bình 270 triệu đồng/tháng.

Đoàn khảo sát của Sở Du lịch, huyện Châu Đức và các DN lữ hành tham quan, tìm hiểu quy trình trồng nấm linh chi tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao U.S Farm (huyện Châu Đức). Ảnh: VÂN ANH
Đoàn khảo sát của Sở Du lịch, huyện Châu Đức và các DN lữ hành tham quan, tìm hiểu quy trình trồng nấm linh chi tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao U.S Farm (huyện Châu Đức). Ảnh: VÂN ANH

Binon Cacao Park thuộc Công ty CP Binon ca cao (ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cũng đang trở thành điểm du lịch trải nghiệm mới lạ đối với du khách. Ông Trịnh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, ngoài trải nghiệm quy trình chế biến ca cao, công ty còn giới thiệu với du khách nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Châu Ro. Hiện nay Binon Cacao Park đã đón nhiều đoàn HS, du khách đến tham quan. Để mở rộng mô hình này, DN dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tăng cường quảng bá sản phẩm, phối hợp với địa phương, các DN lữ hành, cũng như liên kết với các nông trại khác trong huyện mở tour, tuyến du lịch trải nghiệm.

Dù đã xuất hiện những mô hình thành công, tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học, vẫn cần nhiều sự hỗ trợ cho DN để du lịch nông nghiệp có những bước phát triển bền vững trong thời gian tới. Ông Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Khoa học Kỹ thuật tỉnh cho biết, trước hết phải làm tốt vấn đề quy hoạch tổng thể du lịch nông nghiệp. Chính quyền cần xác định rõ các khu vực nào có tiềm năng, thuận lợi để lựa chọn và hỗ trợ DN phát triển các mô hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, tránh thực hiện tràn lan, thiếu hiệu quả và dễ gây hậu quả xấu đến môi trường, xã hội. “Cùng với đó, ngoài việc xây dựng các phân khu đón khách, các DN du lịch có thể tận dụng các cộng đồng dân cư đặc sắc xung quanh. Ví dụ như ở huyện Châu Đức có cộng đồng dân tộc Châu Ro với những nét văn hóa riêng. Từ đó, các DN có thể tận dụng thu hút khách du lịch trải nghiệm. Về những nét đặc sắc trong văn hóa Châu Ro, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã có nhiều nghiên cứu và có thể giúp cho DN sử dụng như là một sản phẩm du lịch để phát triển”, ông Trương Thành Công nói.

Còn theo một số DN, để các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tiếp tục phát triển, cần có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước về các vấn đề như hạ tầng, quản lý môi trường… Ông Trịnh Văn Thành cho biết, để phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp thì môi trường là vấn đề cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục. Như xung quanh khu vực Binon Cacao Park vẫn còn tình trạng các hộ chăn nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Do đó, các cấp chính quyền cần có biện pháp quản lý chặt, không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn thuận lợi cho phát triển du lịch. “Cùng với đó, gần KDL của chúng tôi có những vườn cây ăn trái đẹp, đa dạng không kém miền Tây nhưng đường vào vẫn còn chưa thuận lợi. Cơ quan chức năng có thể khảo sát, xem xét tu sửa, xây dựng các tuyến đường trọng yếu để phục vụ du lịch”, ông Thành đề xuất.

Còn bà Bùi Ngọc Tú Thanh cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn, hạ tầng, chính quyền cần có những biện pháp kết nối các KDL  nông nghiệp, để tạo thành chuỗi, cộng đồng du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa để thu hút khách; đồng thời, có thêm các biện pháp để cùng với DN quảng bá với du khách trong và ngoài tỉnh, xa hơn là với bạn bè quốc tế.

PHÚ XUÂN 

 
;
.