Thanh toán điện tử lên ngôi, tiền mặt sẽ là dĩ vãng

Thứ Sáu, 14/06/2019, 19:02 [GMT+7]
In bài này
.

Kỳ 2: Tăng sức bật cho thanh toán không dùng tiền mặt

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như với hệ thống ngân hàng và với từng người dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc TTKDTM mới chỉ “bùng nổ” ở khu vực thành thị. Thói quen dùng tiền mặt của một số người dân vẫn còn phổ biến.

Khách hàng thanh toán tiền dịch vụ bàng tiền mặt tai nông trại Green Farm (huyện Châu Đức).
Khách hàng thanh toán tiền dịch vụ bàng tiền mặt tai nông trại Green Farm (huyện Châu Đức).

VẪN CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR- VT cho biết:  Trong thời gian qua mặc dù, đơn vị triển khai nhiều giải pháp để thực hiện TTKDTM, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Khách hàng đăng ký dịch vụ này chủ yếu ở thành thị nơi có các tiện ích ngân hàng, internet phát triển, còn tại các vùng sâu, vùng xa việc triển khai còn khó khăn. Hiện công ty mới chỉ triển khai được một  điểm thu tiền điện của khách hàng tại ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Châu Đức. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa và không có điểm thu của tổ chức trung gian. Để thực hiện được phương án này, vào ngày 20 hàng tháng, điện lực thông báo số tiền điện và điểm thu tiền tại nhà văn hóa ấp để khách hàng biết đến đóng tiền. Kết quả có hơn 90% số khách hàng đến điểm thu để đóng tiền. Để tăng tỷ lệ khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, năm 2019, Công ty tiếp tục triển khai thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cho khách hàng tại 8 điện lực huyện, thị, thành phố với khoảng 22.128 khách hàng, đồng thời tiếp tục triển khai các điểm thu tiền điện tập trung để khách hàng thanh toán tiền điện thuận lợi, dễ dàng.

Trong khi đó, Công ty Cấp nước BR-VT (BWACO) trong 5 tháng đầu năm 2019 đã có thêm 1.950 khách hàng đăng ký  thanh toán tiền nước qua dịch vụ ngân hàng... Để đa dạng hóa các kênh thanh toán, từ tháng 11-2018, BWACO triển khai phương thức thanh toán tiền nước trực tuyến qua cổng thanh toán điện tử VNPTPay tại website http://capnuocvungtau.com.vn nhằm giúp khách hàng, đặc biệt là những khách hàng thường xuyên bận rộn, hay phải đi công tác xa nhà có thể thanh toán online, không phải lo lắng về việc trễ hạn thanh toán tiền nước hàng tháng. 

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng nhìn chung, người tiêu dùng vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí.

Riêng ở vùng nông thôn, ngoài thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, việc TTKDTM vẫn còn hạn chế nữa là do hệ thống hạ tầng công nghệ chưa phát triển mạnh, mạng lưới ngân hàng “phủ sóng” chưa nhiều, nhất là ở vùng sâu- vùng xa.

TIẾP TỤC VẬN ĐỘNG NGƯỜI DÂN TTKDTM

Không dùng tiền mặt trong thanh toán sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, DN; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng lớn, nhỏ; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế,  hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thúc đẩy phát triển sản xuất- dịch vụ. Lợi ích là thế, nhưng hiện nay thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam hiện chỉ mới chiếm khoảng 14% trên tổng phương diện thanh toán. Do đó, mục tiêu đề ra của Chính phủ trong năm 2020 là tăng tỷ lệ TTKDTM chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán. 3 năm tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt sẽ chiếm tỷ lệ 50% trên tổng phương diện thanh toán.  Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công.

Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt hệ thống ngân hàng cần chủ động nâng cao năng lực quản lý, giám sát, theo dõi, phát hiện và điều chỉnh hệ thống thanh toán ngân hàng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan chức năng có các giải pháp đồng bộ đi kèm.  

Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội), UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như sau: 70% giao dịch nộp thuế trên địa bàn tỉnh phải thực hiện qua ngân hàng. Hệ thống KBNN cấp tỉnh, thành phố, thị xã, huyện đều được trang bị thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước. Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, phấn đấu 60% tiền điện được thanh toán qua ngân hàng tại địa bàn thành phố, thị xã, huyện. Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước, phấn đấu 50% cá nhân, hộ gia đình tại địa bàn thành phố, thị xã, huyện thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí, 90% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 70% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, phấn đấu 50% bệnh viện trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.  Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội, phấn đấu 10% số tiền an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
 (Nguồn: UBND tỉnh)

Ngoài những yếu tố trên, mới đây tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 11-6, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Phó  thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Các cơ quan ban ngành cần rà soát hành lang pháp lý, ứng dụng công nghệ mới, cái gì chưa có quy định thì thực hiện thí điểm chuẩn hóa công nghệ thông tin trong các ứng dụng dịch vụ công, hành chính công, dịch vụ công ích; đồng thời các chính sách liên quan đến phí phải hài hòa giữa ngân hàng - trung gian thanh toán và người sử dụng…

Tại BR-VT, để hạn chế TTKDTM, mới đây tại cuộc họp triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương xây dựng văn bản tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương vận động CBCCVC, người lao động của đơn vị sử dụng dịch vụ này. UBND các địa phương tuyên truyền, vận động các DN, hộ kinh doanh mở thẻ ATM để thuận tiện cho việc thanh toán. Sở TT-TT và Công ty Điện lực BR-VT phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền việc thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: PHAN HÀ, VÂN ANH

;
.