Ẩn họa từ đồ chơi bạo lực

Chủ Nhật, 12/05/2019, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Mặc dù các loại đồ chơi nhái súng, dao, kiếm, cung, ná… đã bị cấm bán, nhưng việc mua bán những loại đồ chơi này vẫn diễn ra tại các cửa hàng đồ chơi, tiệm tạp hóa, các quầy hàng lưu động trên hè phố.

VÔ TƯ MUA - BÁN

Cuối tuần qua, tạt vào một gánh hàng rong ở khu vực Bãi Trước (phường 1, TP.Vũng Tàu), hỏi mua khẩu súng nhựa bắn đạn bi, chúng tôi được chị bán hàng đưa ra 10 khẩu súng lớn, nhỏ chào giá từ 25-40 ngàn đồng. Thấy tôi tỏ ra băn khoăn về việc loại súng đã bị cấm bán này vì khá nguy hiểm cho trẻ chơi, chị bán hàng liền xua tay: “Lo gì, súng đồ chơi bán đầy khắp nơi. Có ai bị phạt đâu mà lo. Còn đưa cho trẻ chơi thì phải lưu ý, không được để trẻ ngắm bắn vào người khác là được!”.

Trẻ em “tay súng, tay kiếm” vui chơi trên đường.
Trẻ em “tay súng, tay kiếm” vui chơi trên đường.

Tiếp đó, chúng tôi tìm đến một địa chỉ bán ná thun bắn bi ở ngã tư Lê Hồng Phong - Nguyễn Văn Trỗi (phường 4, TP.Vũng Tàu). Theo người bán hàng, ná thun có giá từ 100-170 ngàn đồng/cái. Đạn bắn của ná là bi sắt, hoặc bi đá. Để khoe khả năng “công phá” của loại ná này, người bán lấy một viên bi sắt lắp vào ná và bắn vào một thân cây gần đó. Viên đạn sượt qua cây, làm vỏ cây nứt toác. “Đó! Loại ná này bắn chính xác và trẻ em rất thích”, người bán chào mời. Anh ta cho biết, rất nhiều phụ huynh đã mua cho con mình loại ná này! 

 Một người bán hàng lưu động tại khu vực Bãi Sau (TP.Vũng Tàu) bán công khai các loại súng nhựa.
Một người bán hàng lưu động tại khu vực Bãi Sau (TP.Vũng Tàu) bán công khai các loại súng nhựa.
Còn tại một điểm bán đồ chơi lưu động trên đường Đô Lương (phường 11, TP.Vũng Tàu), chúng tôi dễ dàng bắt gặp các loại súng, dao, kiếm nhựa có giá từ 15-40 ngàn đồng/cái. Anh Tuấn - người bán hàng - cho biết, trẻ con bây giờ rất thích bắt chước các loại đồ chơi trong phim siêu nhân. Nên các loại súng, kiếm đều mô phỏng vũ khí của nhân vật trong phim. “Kiếm nhựa là món được tụi trẻ khoái nhất. Hầu như, ngày nào cũng có người mua”, anh Tuấn nói. 

Khi tôi hỏi mua loại súng bắn đạn nhựa, anh Tuấn nói: “Loại đồ chơi này bị cấm rồi”. Tuy nhiên, ngay sau đó anh ta lại lấy trong túi nilon dưới gầm xe 1 khẩu súng bắn đạn nhựa, giống súng lục và chào giá 50 ngàn đồng. Đúng lúc đó, một người phụ nữ chạy xe máy chở theo con nhỏ ghé vào. Chị này cho biết, đang chọn đồ chơi cho cậu con trai 5 tuổi. Thấy tôi cầm khẩu súng nhựa, chị đề nghị: “Anh nhường tôi mua cho cháu nhé!”. Anh Tuấn chỉ chờ có thế. Đứa bé ngồi sau xe tỏ ra rất thích thú với món đồ chơi mà mẹ bé vừa mua tặng.    

Súng bắn đạn nhựa bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ.
Súng bắn đạn nhựa bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ.

NHỮNG HIỂM NGUY CHO TRẺ

Dù thuộc vào danh mục cấm mua - bán, nhưng đồ chơi có hình dáng dao, súng, kiếm… mang tính bạo lực vẫn bày bán tương đối công khai ở các cửa hàng đồ chơi, nhất là các gánh hàng rong ở vỉa hè.

Một số đồ chơi bị cấm theo quy định hiện hành
Theo Quyết định 88/2000/QĐ-BTM của Bộ Thương mại một số loại đồ chơi dưới đây được xếp vào nhóm có hại tới giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội và bị cấm lưu thông, dịch vụ thương mại:
Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng: súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ.
Các loại đồ chơi có hình dáng giống lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; các loại đồ chơi giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén...); pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các loạt vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng… các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Lan Phương, chuyên gia tâm lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn tâm lý châu Á - ASIA MCC (TP. Vũng Tàu), trẻ nhỏ rất thích đồ chơi và cần không gian vui chơi. Hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ trải nghiệm thêm về cuộc sống, tăng tính năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, nếu để trẻ tiếp xúc với những sản phẩm đồ chơi mang tính bạo lực, không bảo đảm về tiêu chuẩn, kỹ thuật, độ an toàn thì rất dễ khiến trẻ bị lệch lạc về hành vi, ứng xử giao tiếp, cũng như khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn thân thể.

Cha mẹ nên định hướng đồ chơi phù hợp cho trẻ
Chị Lê Thị Hoa (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Gia đình tôi có con trai 4 tuổi rất hiếu động. Con trai tôi thích các loại đồ chơi dao, súng. Mặc dù con khóc đòi thường xuyên nhưng vợ chồng tôi kiên quyết không mua. Tôi nghĩ rằng, việc trẻ tiếp cận được với những loại đồ chơi đó hay không phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ của các bậc làm cha, làm mẹ. Tôi thấy không nên quá chiều con và dễ dãi trong chuyện này. Các bậc phụ huynh cũng nên khuyến khích con xem các phim hoạt hình thay cho dạng phim siêu nhân có quá nhiều cảnh bạo lực, để cháu không bắt chước”.
Thực tế cho thấy, nhiều loại đồ chơi nguy hiểm có khả năng gây thương tích, nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể gây hậu quả khó lường. Bác sĩ Lê Thị Thu Trang, Trưởng Khoa nhi Bệnh viện Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) khuyến cáo: trẻ chơi với các loại đồ chơi sắc nhọn như dao, kiếm rất dễ dẫn đến thương tích. Riêng với các loại súng nhựa bắn sắt, bi đá, trẻ rất dễ gây hại cho người khác. Các bậc phu huynh nên tuyệt đối không cho trẻ chơi những loại đồ chơi nguy hiểm này”.
Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” quy định: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.

Về phía cơ quan quản lý thị trường, ông Nguyễn Đức Thông, Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em. Qua đó đã phát hiện kịp thời và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Riêng từ năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức 10 cuộc kiểm tra đối với các cơ sở buôn bán đồ chơi trẻ em. Qua đó, phát hiện 7 vụ vi phạm về nhập lậu đồ chơi, kinh doanh súng nhựa, đồ chơi nguy hiểm có tác hại tới giáo dục nhân cách; thu giữ gần 4 ngàn khẩu súng nhựa các loại, xử phạt hành chính những người bán với số tiền hơn 57 triệu đồng. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không buôn bán các mặt hàng đồ chơi nguy hiểm, bị cấm”, ông Nguyễn Đức Thông cho hay.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

 
;
.