Thêm gánh nặng vì giá điện tăng

Thứ Ba, 12/03/2019, 16:30 [GMT+7]
In bài này
.

Theo phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân vừa được Bộ Công thương công bố, từ cuối tháng 3 này, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến sẽ tăng 8,36%. Nhiều DN và người dân lo ngại giá điện tăng sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi phí sản xuất, sinh hoạt.

Giá điện tăng 8,36% từ cuối tháng 3-2019, sẽ khiến DN phải gánh thêm chi phí sản xuất.  Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood trong giờ sản xuất.
Giá điện tăng 8,36% từ cuối tháng 3-2019, sẽ khiến DN phải gánh thêm chi phí sản xuất.
Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood trong giờ sản xuất.

Theo đó, từ cuối tháng 3-2019, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến sẽ tăng 8,36%, từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh. Lý giải việc tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, hiện nay mức tiêu thụ điện ở Việt Nam đã tăng lên 10%, trong khi các dự án điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện nên ngành điện phải huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than. Ngoài ra, những biến động của nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và các tác động từ phí bảo vệ môi trường, tỷ giá… khiến chi phí của EVN tăng lên hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, giá than nội địa điều chỉnh bước 1 với mức tăng bình quân 5% khiến chi phí mua điện tăng thêm khoảng 3.183 tỷ đồng. Giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước từ ngày 16-1-2019 cao hơn giá than nội địa làm tăng chi phí mua điện khoảng 1.921 tỷ đồng. Thuế bảo vệ môi trường đối với than và xăng dầu tăng cũng làm tăng chi phí mua điện khoảng 450 tỷ đồng. 

Trong kịch bản điều hành giá điện năm 2019, Bộ Công thương cho biết sẽ tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo đó, Bộ tiếp tục duy trì việc hỗ trợ các đối tượng này với mức 30kWh/hộ/tháng. Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh được phê duyệt, Bộ Công thương sẽ có những điều chỉnh cụ thể đối với từng nhóm khách hàng theo thẩm quyền quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho phù hợp. 

Nhân viên Điện lực Long Điền kiểm tra lưới điện trên địa bàn.
Nhân viên Điện lực Long Điền kiểm tra lưới điện trên địa bàn.

Các chuyên gia đánh giá, việc tăng giá điện sẽ giúp ngành điện bù đắp chi phí, có nguồn lực tái đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất và cung ứng điện cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, giá điện tăng trong bối cảnh hiện nay khiến người dân, DN lo lắng vì chi phí sinh hoạt, sản xuất kinh doanh sẽ tăng theo. Một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như thép, vật liệu xây dựng, chế biến hải sản... sẽ chịu tác động khi giá điện tăng, bởi điện chiếm từ 10-30% chi phí sản xuất. Mặt khác, giá điện tăng làm cho giá đầu vào như nguyên phụ liệu sẽ tăng và kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng. Đặc biệt, với những DN lớn, tiêu thụ nhiều điện năng như sắt thép, xi măng, chế biến hải sản, may mặc… giá điện tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất. 

Ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Pomina cho biết, công ty sản xuất khoảng 500.000 tấn phôi thép/năm, điện năng tiêu thụ 600kWh/1tấn phôi thép. Khi giá điện tăng 8,36%, giá thành sản xuất phôi thép sẽ tăng lên khoảng 0,6%/tấn so với trước. Theo đó, DN sẽ phải tính toán lại giá bán cho phù hợp. Ngoài việc phát sinh chi phí sản xuất, tác động tới giá thành sản phẩm, việc tăng giá điện sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN. Lãnh đạo một DN chế biến hải sản xuất khẩu cho biết, giá điện chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu đã ký nên không thể tăng giá theo nên lợi nhuận của DN sẽ sụt giảm.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH mật ong rừng Forny (109/17/8A Võ Thị Sáu, TP. Vũng Tàu) tính toán, trung bình mỗi tháng DN phải trả khoảng 90 triệu đồng tiền điện, có tháng lên đến hơn 100 triệu đồng. Nếu giá điện tăng thêm 8,36% thì tiền điện mỗi tháng của DN tăng khoảng 7-9 triệu đồng. Việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí quản lý, chi phí sản xuất, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, khiến lợi nhuận của DN giảm.

Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt của người dân cũng sẽ tăng thêm do giá điện, giá hàng hóa tăng theo giá điện. Anh Ngô Văn Bình (chung cư 523, Bình Giã, TP. Vũng Tàu) cho biết, trung bình mỗi tháng gia đình anh trả gần 340 ngàn đồng cho gần 200kWh điện. “Vợ chồng tôi đều là công nhân lao động, tổng thu nhập nếu tính cả tăng ca khoảng 12 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này chỉ vừa đủ chi tiêu và lo cho 2 con đi học, còn dư chút đỉnh phòng khi đau ốm. Giờ giá điện, gas, xăng dầu, thực phẩm đều rủ nhau tăng… khiến cuộc sống không chỉ của vợ chồng tôi mà nhiều người khác cũng sẽ khó khăn hơn”, anh Bình nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.