Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 2: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thứ Năm, 28/02/2019, 16:51 [GMT+7]
In bài này
.

Vốn, đất đai là 2 điều kiện tiên quyết để DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC). Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn lực trên còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Không vay được vốn nên ít có DN đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, đất đai đang bị phân tán, manh mún, thiếu quỹ đất sạch cũng là nguyên nhân chính khó hình thành vùng NNƯDCNC.

Người lao động đóng gói sản phẩm tại cơ sở Nấm linh chi ông Tiên thuộc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao U.S Farm (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức).
Người lao động đóng gói sản phẩm tại cơ sở Nấm linh chi ông Tiên thuộc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao U.S Farm (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức).

KHÓ TIẾP CẬN VỐN  

Theo phản ánh của các DN, việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật để sản xuất NNƯDCNC đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Ngoài ra, điều kiện để được ngân hàng cho vay vốn cũng rất khắt khe, ngoài việc có tài sản thế chấp, DN còn phải hình thành được chuỗi cung ứng và liên kết, hợp đồng đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, đa số DN có nhu cầu đầu tư NNƯDCNC hiện nay đều có quy mô nhỏ, chưa hình thành được chuỗi liên kết và thiếu tài sản thế chấp để vay được nguồn vốn lớn. Lãnh đạo một DN đã đầu tư NNƯDCNC trong lĩnh vực chăn nuôi cho hay, để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình CNC cần ít nhất 100 tỷ đồng. Trong khi đó, ở lĩnh vực trồng trọt, để đầu tư cho 1ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới, bón phân tự động theo công nghệ của Israel cũng cần có từ 10 tỷ đồng trở lên…  

Thu hoạch rau tại Công ty Vương Huy (xã Xà Bang, huyện Châu Đức).
Thu hoạch rau tại Công ty Vương Huy (xã Xà Bang, huyện Châu Đức).

Ông Nguyễn Văn Cường, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Mạnh Cường (huyện Xuyên Mộc) cho biết: DN sản xuất tôm giống và nuôi tôm CNC tại ấp Hồ Tràm 5 năm nay. Công ty đang có kế hoạch mở rộng sản xuất ứng dụng CNC tại khu quy hoạch Phước Hải - Lộc An của tỉnh. Trong quá trình hoạt động, để xây dựng được thương hiệu và hàng hóa ổn định, DN cần khoản vốn lớn để duy trì sản xuất và phát triển. Trong khi đó, ngân hàng chỉ dựa theo giá trị của đất đai để cho vay nên nguồn vốn vay rất nhỏ so với quy mô đầu tư. Do đó, DN muốn mở rộng dự án nhưng không thể thực hiện được vì thiếu vốn.

Còn ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp dịch vụ du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) - DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến hồ tiêu cho biết: Hiện nay, Bầu Mây có nhiều đơn hàng lớn trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga với sản lượng 1.000 tấn/năm. Để đáp ứng đơn hàng, DN cần đầu tư thêm dây chuyền đóng gói tự động với số vốn 12 tỷ đồng, công suất 1.000 tấn/năm. Tuy nhiên, DN không vay được vốn vì ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản bảo đảm thế chấp. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, quỹ tài chính đã tìm đến Bầu Mây nhưng cũng chưa tìm được tiếng nói chung.

Để tiếp sức cho NNƯDCNC, từ tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho DN vay đầu tư vào NNƯDCNC, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường). Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng này, hiện nay tổng dư nợ mà các ngân hàng cho vay mới đạt 36.000 tỷ đồng… Nguyên nhân là do DN, nông dân khó đáp ứng các điều kiện ràng buộc để được vay vốn của ngân hàng.

THIẾU QUỸ ĐẤT SẠCH

Ngoài vấn đề nguồn vốn, quỹ đất để triển khai các dự án NNƯDCNC cũng đang thiếu. Theo Đề án 04-ĐA/TU ngày 28-7-2017 về phát triển NNƯDCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Tỉnh ủy, để tạo nguồn lực về đất đai cho các DN đầu tư NNƯDCNC, tỉnh đã quy hoạch hơn 5.000ha tại các huyện Xuyên Mộc (3.867ha), Châu Đức (1.030,6ha), Đất Đỏ (184,8ha) và TX. Phú Mỹ (20ha). 

Người lao động của Công ty TNHH DV-XD Âu Cơ cắt tỉa cành cho cây dưa lưới được trồng theo công nghệ Israel trong nhà kính và đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại phường Long Tâm (TP.Bà Rịa). Ảnh: PHAN HÀ
Người lao động của Công ty TNHH DV-XD Âu Cơ cắt tỉa cành cho cây dưa lưới được trồng theo công nghệ Israel trong nhà kính và đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại phường Long Tâm (TP.Bà Rịa). Ảnh: PHAN HÀ

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa có đất sạch để triển khai dự án. Đơn cử, trên địa bàn huyện Châu Đức, vùng NNƯDCNC được quy hoạch tại các xã Quảng Thành, Nghĩa Thành, Cù Bị… Nhiều DN đã xong các thủ tục đầu tư dự án như: Dự án trồng các giống cây ăn trái CNC trên diện tích gần 300ha của Công ty CP Sản xuất thương mại miền Đông (TP. Vũng Tàu); dự án xây dựng vùng nguyên liệu chuối thương phẩm của Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị BR-VT… nhưng chưa triển khai được do chưa có đất sạch. 

Ông Lê Văn Tứ, chuyên viên phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, khu vực được UBND tỉnh chọn quy hoạch phát triển NNƯDCNC tại địa phương đang thuộc sự quản lý của Công ty CP cao su Thống Nhất. Vì vậy, dù nhiều DN đã chuẩn bị xong về vốn, kỹ thuật nhưng vẫn phải chờ do chưa có đất, khiến dự án vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Đại diện Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (UDEC) cho biết: Do chưa tìm được quỹ đất nên công ty đã mượn 2ha đất thuộc quy hoạch sân vận động của huyện Châu Đức và đầu tư 10 tỷ đồng làm khu thí nghiệm cấy mô, nhân giống cây trồng. Hiện phòng thí nghiệm đang nhân giống các loại lan quý trên thế giới phục vụ nhu cầu trong tỉnh và khu vực. DN có nhu cầu thuê 100ha đất đầu tư nhà màng để nhân, trồng chuối cấy mô nhưng chưa tìm được đất. Ngoài ra, nếu muốn nhân rộng mô hình để liên kết với nông dân thì phải cần 1.000ha đất. Do đó, công ty rất mong các ngành chức năng sớm hoàn tất các thủ tục thu hồi đất để DN có điều kiện tiếp cận quỹ đất sạch nhằm phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất, đồng thời dễ tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng để triển khai đầu tư.

Để phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ DN cụ thể giống như quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới, từ đó tạo điều kiện cho DN có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để triển khai dự án thuận lợi, tăng thêm giải pháp tài chính cho DN. Đồng thời, ngân hàng đưa ra các gói tín dụng phù hợp, cho vay khép kín từ khâu thu mua, sản xuất đến chế biến và xuất khẩu cho các DN theo chuỗi giá trị. 
(Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp dịch vụ du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc)

Theo ông Lê Văn Tứ, nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực của huyện Châu Đức. Bên cạnh đó, địa phương có tài nguyên du lịch rất lớn. Vì vậy, khi các dự án NNƯDCNC đi vào hoạt động và có hiệu quả sẽ kết hợp rất tốt để phát triển du lịch. Khi đó, nông nghiệp đồng thời cũng là sản phẩm du lịch. Do đó, huyện mong UBND tỉnh sớm có những biện pháp giải quyết để cung cấp cho DN, nông dân quỹ đất “sạch” làm NNƯDCNC. 

Còn tại huyện Xuyên Mộc, ông Văn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, đến thời điểm này, chưa có DN nào triển khai dự án trong vùng quy hoạch  (3.867ha) vì chưa có quỹ đất sạch.

Do khó khăn trong việc tìm quỹ đất, nhiều DN đã chuyển qua địa phương khác đầu tư. Ông Nguyễn Văn Mến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Sao Việt (TP. Vũng Tàu) cho biết, do không tìm được quỹ đất ở BR-VT nên DN đã phải lên Lâm Đồng để thực hiện dự án nông nghiệp, trồng rau, củ, quả theo hướng ứng dụng công nghệ của Israel với diện tích hơn 10ha. Hiện tại, DN không lo đầu ra vì các sản phẩm đã được một DN phía Bắc bao tiêu sản phẩm, chế biến và xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Bài, ảnh: PHAN HÀ - QUANG VINH


Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 1: Chỉ mới đặt được những viên gạch đầu tiên

Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 2: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Tháo điểm nghẽn cho nông nghiệp công nghệ cao - Bài 3: Gỡ bỏ rào cản để tạo lực đẩy mới

;
.