Khẳng định vị thế của ngân hàng Việt trong khu vực

Thứ Tư, 27/02/2019, 17:03 [GMT+7]
In bài này
.

Tạp chí The Asian Banker vừa công bố danh sách 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 14 ngân hàng Việt Nam có mặt trong danh sách bình chọn này.

Năm 2018, HDBank đã có sự bứt phá về thứ hạng, từ vị trí 269 năm 2017 đến vị trí 199 năm 2018,  tăng 70 bậc. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu dịch vụ tại HDBank, chi nhánh Vũng Tàu.
Năm 2018, HDBank đã có sự bứt phá về thứ hạng, từ vị trí 269 năm 2017 đến vị trí 199 năm 2018, tăng 70 bậc. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu dịch vụ tại HDBank, chi nhánh Vũng Tàu.

14 cái tên nói trên bao gồm: Vietcombank, Techcombank, MBBank, ACB, VietinBank, Agribank, BIDV, VPBank, HDBank, SCB, SHB, Sacombank, LienVietPostBank và Eximbank.

Vietcombank là ngân hàng đứng đầu trong số các ngân hàng Việt lọt top 500 lần này và xếp thứ 29 trong bảng xếp hạng, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017. Đánh giá của The Asian Banker cho thấy, Vietcombank  đang là ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu lớn nhất, chất lượng tài sản tốt nhất và hiệu quả kinh doanh hàng đầu Việt Nam. Tổng tài sản của Vietcombank đến hết năm 2018 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận năm 2018 đạt gần 18.400 tỷ đồng, tăng 63,5% so với năm 2017, dẫn đầu các ngân hàng. Vietcombank cũng là ngân hàng lớn đầu tiên tại Việt Nam đưa nợ xấu về dưới 1%, sớm trước 2 năm so với phương án cơ cấu lại Vietcombank đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Ông Đoàn Văn Tuyến, Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh BR-VT thông tin thêm: “Mục tiêu đặt ra của Vietcombank là đến năm 2020 trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng mạnh nhất khu vực, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị rủi ro theo các thông lệ quốc tế tốt nhất”. Về tình hình kinh doanh của Vietcombank - Chi nhánh BR-VT, ông Tuyến cho biết: Năm 2018, nhờ sự chuyển hướng mạnh mẽ của đơn vị trong chiến lược đẩy mạnh phát triển các gói vay ở phân khúc bán lẻ và khách hàng DNNVV nên  các chỉ tiêu kinh doanh đạt kết quả khả quan. Đến đầu tháng 12-2018, Vietcombank BR-VT đã hoàn thành kế hoạch cả năm, hoạt động huy động vốn của chi nhánh đạt 108% so với cùng kỳ 2017, tổng dư nợ cho vay đạt 143% so với cùng kỳ 2017, thanh toán quốc tế đạt 1 tỷ USD.

Cùng với Vietcombank, 3 ngân khác khác là BIDV, Agribank, VietinBank cũng được xếp vào nhóm ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong nước. Đối với Techcombank, mặc dù tài sản chỉ đứng thứ 9 trong số các ngân hàng nội nhưng được đánh giá có khả năng sinh lời cao thứ 2, chỉ đứng sau Vietcombank.

Điều đáng nói trong bảng xếp hạng lần này, đó là một số ngân hàng đã có sự bứt phá về thứ hạng. Cụ thể, ACB tăng 47 bậc,  SHB tăng 45 bậc… Riêng VPBank và HDBank cùng ở vị trí thứ 199 trong top những ngân hàng mạnh nhất. Thứ hạng của 2 ngân hàng này cũng thuộc nhóm cải thiện nhiều nhất trong năm 2018. VP Bank từ vị trí 276 năm 2017 lên vị trí 199 năm 2018. HDBank từ vị trí 269 năm 2017 đến vị trí 199 năm 2018,  tăng 70 bậc.

Năm 2018 đánh dấu một bước trưởng thành của hệ thống ngân hàng Việt Nam với chiến lược phát triển ngân hàng trong kỷ nguyên số, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... Hệ thống ngân hàng cũng đã có những cải tiến để nâng cao việc thanh toán không dùng tiền mặt, cung ứng dịch vụ thanh toán dịch vụ công qua kênh internet banking và mobile banking. Các dịch vụ như: thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí... qua ngân hàng đã giảm dần việc thu tiền mặt.

Đại diện HDBank cho biết: Năm 2018, tổng lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt  3.972 tỷ đồng, tăng 64% so với năm trước và cao hơn mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2018, HDBank có quy mô tổng tài sản đạt 216.108 tỷ đồng, tăng trưởng 14,1% so với năm 2017. Tổng huy động đạt 191.588 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 14,0% lên 16.828 tỷ đồng. Về tình hình kinh doanh của HDBank tại BR-VT, ông Đỗ Gia Hồng, Giám đốc HDBank, Chi nhánh Vũng Tàu cho biết: Năm 2018, tăng trưởng tín dụng tại HDBank Vũng Tàu đạt khả quan với mức tăng 30%. Các lĩnh vực cho vay chủ yếu của  đơn vị là nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất kinh doanh, các dự án năng lượng sạch, DN FDI...

Theo The Asian Banker, tiêu chí đánh giá Top 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á -Thái Bình Dương được lựa chọn dựa trên quy mô tài sản và một số tiêu chí khác để xếp hạng 500 ngân hàng hàng đầu (AB500Rank) và 500 ngân hàng mạnh nhất dựa trên niềm tin về khả năng sinh lời lâu dài từ kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng (Strength Rank) hay các ngân hàng mạnh nhất khu vực.

Asian Banker  sử dụng 12 chỉ tiêu để đánh giá, so sánh các ngân hàng với nhau. Một số chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn được xem xét như quy mô tổng tài sản, tỷ lệ chi dự phòng/tổng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay/huy động, chỉ số an toàn vốn. Dựa trên các tiêu chí này cho thấy, năm qua nguồn vốn hóa của các ngân hàng lọt vào danh sách trên tương đối ổn định. Tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng khá cao, làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn nhạy cảm với thị trường, chẳng hạn như các khoản vay liên ngân hàng. Lợi nhuận, khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ tốt hơn khi các ngân hàng thúc đẩy hoạt động cho vay trong lĩnh vực bán lẻ, phân khúc DNVVN.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.