Hướng đi mới từ cây nha đam

Chủ Nhật, 27/01/2019, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Với nhiều ưu điểm như: dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, dễ nhân giống mở rộng diện tích, cây nha đam đang được nhiều hộ nông dân xã Bình Giã (huyện Châu Đức) trồng để phát triển kinh tế.

Với hơn 1ha đất, trước đây ông Trần Lưu Thủy (ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã) trồng tiêu và một số loại cây ăn trái nhưng hiệu quả không cao. Mấy năm nay, hồ tiêu rớt giá nên ông Thủy quyết định chuyển đổi một phần diện tích đất sang trồng cây nha đam. Sau khi tham quan một số mô hình trồng nha đam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tháng 5-2018, ông Thủy tìm đến trại giống ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) mua 2.000 gốc nha đam giống Mỹ và Thái Lan (8.000 đồng/gốc) về trồng trên diện tích gần 1.000m2. Hiện ông đang mở rộng diện tích để trồng thêm 2.000 gốc từ nguồn giống được chiết tại vườn. “Cây nha đam chịu hạn tốt nhưng nếu bị úng nước sẽ bị thối gốc. Do đó, trước khi xuống giống, tôi làm đất thật kỹ, trộn phân hữu cơ, phân chuồng để đất tơi xốp, lên luống tránh cho cây bị ngập úng. Sau 8 tháng chăm sóc, cây nha đam lên tốt, bẹ lớn, mỗi ngày tôi thu hoạch gần 100kg nha đam tươi. Cây nha đam càng lớn thì năng suất càng cao. Đến tháng 3-2019, vườn nha đam của tôi sẽ cho năng suất khoảng 4 tấn/tháng”, ông Thủy phấn khởi nói. 

Ông Trần Lưu Thủy có vườn 2.000 cây nha đam.
Ông Trần Lưu Thủy có vườn 2.000 cây nha đam.

Hiện nay, sản phẩm bẹ nha đam tươi được các thương lái tại các chợ đầu mối trên địa bàn huyện thu mua với giá từ 4.000-5.000 đồng/kg. Với giá bán cao, ổn định, gia đình ông Thủy có lãi gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Theo ông Thủy, cây nha đam được “trồng chơi” rất nhiều nhưng cây nha đam trồng thương phẩm còn hiếm. Vậy nên, khi thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua về bỏ mối tại các chợ trong tỉnh. 

Tương tự, ông Hoàng Cung (ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã) chọn mô hình trồng nha đam làm kinh tế chính, thay cho các loại cây dài ngày khác. Hiện ông Cung có 1.800 cây nha đam (3 tháng tuổi). Ông Cung dự định đến mùa mưa năm nay sẽ mở rộng diện tích trồng lên 6.000 cây. Theo ông Cung, khâu chăm sóc cây nha đam nhẹ nhàng hơn cây tiêu, cây giống chỉ đầu tư một lần nhưng thu hoạch lâu dài nên rất phù hợp với điều kiện sức khỏe của ông.

Các nông dân cho biết, cây nha đam dễ trồng, phù hợp với đất đỏ pha sỏi và vùng khí hậu khô nóng. Nông dân cũng không mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu, trồng một lần có thể thu hoạch lâu dài, thời gian thu hoạch kéo dài 4-7 năm. Nha đam hiện có nhiều loại khác nhau nhưng chỉ giống Thái và Mỹ cho bẹ to, năng suất cao và được thị trường ưa chuộng. Thông thường, các hộ dân bắt đầu trồng nha đam vào mùa mưa để cây con dễ phát triển. Ngoài việc trồng bán trực tiếp cho thương lái, nhiều hộ dân cũng chế biến sản phẩm để lấy công làm lời. Theo đó, nha đam sau khi thu hoạch được nấu với đường phèn làm thức uống, được nhiều người ưa dùng vì giúp giải khát và giải nhiệt. 

Theo ông Hồ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giã, mô hình trồng nha đam sạch được UBND huyện Châu Đức hỗ trợ 100% vốn không hoàn lại cho 4 hộ dân trên địa bàn ấp Vĩnh Bình, trung bình mỗi hộ được 12,5 triệu đồng. Sản phẩm nha đam sạch được cung cấp trên địa bàn huyện và các chợ đầu mối trong tỉnh. Dự kiến, năm 2019, xã Bình Giã sẽ nhân rộng mô hình trồng nha đam sạch, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nha đam tại TP. Hồ Chí Minh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, nha đam là một trong những mô hình mới được Hội Nông dân tỉnh triển khai. Nếu sản xuất đúng quy trình, giá cả ổn định, người trồng nha đam có thể lãi từ 80-100 triệu đồng/sào/năm. Cây nha đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.