Trăn trở hướng phát triển đặc sản yến sào Côn Đảo

Chủ Nhật, 16/12/2018, 16:07 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 15-12, Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả hợp tác phục hồi và phát triển quần thể chim yến Hàng giai đoạn 2011-2018 giữa Công ty TNHH MTV Yến Sào Khánh Hòa (Công ty Yến Sào Khách Hòa) và VQG Côn Đảo. Kết quả bước đầu của sự hợp tác này cho thấy, số cá thể yến, lượng tổ khai thác và sản phẩm yến sào đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên, để phát triển bền vững quần thể chim yến Hàng, còn nhiều việc phải làm.

Nhân viên Công ty Yến Sào Khánh Hòa và Vườn Quốc gia Côn Đảo lấy mẫu lông chim yến để xác định nguồn gen chim yến.
Nhân viên Công ty Yến Sào Khánh Hòa và Vườn Quốc gia Côn Đảo lấy mẫu lông chim yến để xác định nguồn gen chim yến.

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU 

Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQG Côn Đảo, hiện nay, quần thể yến Hàng phân bố ở 8 đảo thuộc VQG, gồm: Hòn Bông Lan, Hòn Thỏ, Hòn Cau, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Lớn, vịnh Đầm Tre, Hòn Bảy Cạnh, Mũi Việt Minh. Từ năm 1993, VQG Côn Đảo được giao nhiệm vụ bảo tồn và khai thác yến sào ở các khu vực này. Tuy nhiên, việc bảo tồn yến chủ yếu thuận theo tự nhiên, dẫn đến số lượng cá thể chim yến Hàng suy giảm dần. Đặc biệt, cơn bão Linda năm 1997 đã tàn phá hàng trăm ha rừng, san hô, khiến cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học Côn Đảo bị suy thoái trong nhiều năm sau đó, đã ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng làm suy kiệt dần sinh cảnh và nơi kiếm ăn của nhiều loài động thực vật, trong đó có quần thể chim yến Hàng. Giai đoạn 2000 - 2010, quần thể yến Hàng ở Côn Đảo chỉ còn hơn 3.800 con.

Nhằm phục hồi, nhân đàn chim yến Hàng, cuối năm 2010, UBND tỉnh chấp thuận cho VQG Côn Đảo hợp tác với Công ty Yến Sào Khánh Hòa triển khai đề án hợp tác bảo tồn phục hồi và phát triển quần thể chim yến Hàng tại VQG Côn Đảo. Từ năm 2011 đến nay, Công ty Yến Sào Khánh Hoà đã cử lực lượng kỹ sư, công nhân hỗ trợ VQG Côn Đảo bảo vệ hang yến, cải tạo cấu trúc hang, hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ đàn yến trước các loài thiên địch, cứu hộ, di đàn, ấp nở, thả chim yến về tự nhiên, khai thác tổ yến. Kết quả, đàn yến Hàng được quản lý và từng bước phục hồi hiệu quả. Lượng cá thể yến Hàng về làm tổ trên các đảo tăng dần, từ gần 300 đến gần 800 con/năm. Số tổ yến khai thác cũng tăng hơn 300 tổ/năm. Sản lượng yến sào thương phẩm thu hoạch bình quân đạt hơn 15,8kg/năm, tăng hơn 6,2kg/năm so với năm 2010. Tổng doanh thu yến sào giai đoạn 2011-2018 đạt hơn 14,7 tỷ đồng.

Hang tổ yến tại Vườn Quốc gia Côn Đảo.
 Yến con nở ở nơi làm tổ của chim mẹ và trên các vách đá tại Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Yến con nở ở nơi làm tổ của chim mẹ và trên các vách đá tại Vườn Quốc gia Côn Đảo.

TRĂN TRỞ HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, dù việc hợp tác mang lại hiệu quả bước đầu, nhưng kết quả trên chưa bền vững, chi phí đầu tư quá lớn nhưng doanh thu, giá trị sản lượng mang lại chưa cao. Báo cáo kết quả hợp tác cho thấy, trong 8 năm (từ 2011 đến 2018), chi phí đầu tư cho dự án hơn 48 tỷ đồng, trong đó chi phí lao động và phụ cấp hơn 41 tỷ đồng cho 44 kỹ sư, công nhân của Công ty Yến Sào Khánh Hòa làm nhiệm vụ tại Côn Đảo. Theo đại diện Sở Tài chính, dù chi phí này do Công ty Yến Sào Khánh Hòa chi trả, nhưng doanh thu hàng năm chỉ đạt từ 1,5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng là quá nhỏ bé so với chi phí bỏ ra. “Chưa kể báo cáo ghi nhận, năm 2015, cá thể yến và số tổ tăng (4629 cá thể và 3566 tổ), nhưng từ năm 2016 đến nay, con số này lại giảm dần. Năm 2018, cá thể yến còn 4.116 con, số tổ khai thác 3133. Sản lượng trồi sụt, năm tăng năm giảm như thế là chưa bền vững”, đại diện Sở Tài chính nêu.

Côn Đảo được định hướng tập trung phát triển du lịch. Trong đó, việc hình thành một trung tâm tham quan quy trình nhân đàn yến tự nhiên không chỉ mang ý nghĩa giáo dục ý thức bảo tồn cho cộng đồng, mà còn gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương. Do đó, hầu hết các đại biểu mong muốn Công ty Yến Sào Khánh Hòa có hướng chuyển giao kỹ thuật, quy trình ấp nở, đưa yến về môi trường tự nhiên cho VQG Côn Đảo. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, trong lộ trình thực hiện đề án, UBND huyện Côn Đảo mong muốn Công ty Yến Sào Khánh Hòa có hướng chuyển giao kỹ thuật để đội ngũ cán bộ, nhân viên VQG Côn Đảo trực tiếp quản lý, khai thác, bảo vệ. Và mở rộng ra nữa là nhân dân Côn Đảo cùng tham gia bảo tồn bền vững, đưa yến sào Côn Đảo trở thành đặc sản có ý nghĩa về kinh tế và thương hiệu cho du lịch Côn Đảo chứ không dừng lại ở sản lượng ít ỏi như hiện nay. 

Cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Công ty Yến Sào Khánh Hòa thực hiện sơ chế, vệ sinh tổ yến sau khai thác.  Ảnh: KHOA THẮNG
Cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Công ty Yến Sào Khánh Hòa thực hiện sơ chế, vệ sinh tổ yến sau khai thác.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Yến Sào Khánh Hòa, cho hay: Từ năm 2010, một nhiệm vụ được Yến Sào Khánh Hòa đề ra bên cạnh kinh doanh là trách nhiệm liên kết, khôi phục, phát triển hang đảo yến thiên nhiên ở các tỉnh, thành có biển đảo, gồm: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận và Côn Đảo (BR-VT). “Chúng tôi thực hiện công việc này không phải vì lợi nhuận. Tôi rất đồng tình và mong muốn chuyển giao công nghệ để VQG Côn Đảo tự đảm đương công việc phát triển đàn yến”, ông Nguyễn Anh Hùng nói. 

Theo ông Nguyễn Anh Hùng, đề án hợp tác giữa công ty với VQG Côn Đảo có thống nhất VQG sẽ bố trí từ 8 đến 10 người cùng làm việc để tiếp cận, tiếp nhận các giải pháp kỹ thuật làm hang yến, quy trình ấp nuôi, bảo vệ, phát triển đàn yến, khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm yến sào từ Công ty Yến Sào Khánh Hòa, nhưng thời gian qua chưa làm được điều này. Đến năm 2020, đề án hợp tác giữa 2 bên sẽ kết thúc. “Ngay từ bây giờ, tôi kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh BR-VT quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để VQG Côn Đảo cử nhân sự tiếp nhận công nghệ, đầu tư hạ tầng và chuỗi phương tiện, thiết bị đi kèm để đảm đương được nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển quần thể yến Hàng, khai thác bền vững nguồn lợi yến sào tại VQG Côn Đảo đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu thiên nhiên của du khách, tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở Côn Đảo”, ông Nguyễn Anh Hùng nói.

Yến Hàng là loài yến quý hiếm cần được bảo tồn theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Tại Việt Nam, chim yến Hàng thường cư trú, sinh sống, làm tổ trong các hang động đá vôi, đá granite tự nhiên trên các hòn đảo. Sản phẩm yến sào từ chim yến Hàng có giá trị nhiều mặt về khoa học, dược phẩm và kinh tế. Hiện nay, giá bán yến sào Côn Đảo ở mức 170 triệu đồng/kg.

Bài, ảnh: MẠNH THẮNG - ĐĂNG KHOA

;
.