.

Đưa Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế lớn

Cập nhật: 19:44, 18/12/2023 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này đã tạo thêm động lực cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV), hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng trung chuyển quốc tế lớn.

Hai tàu lớn cùng lúc cập cảng làm hàng tại Cảng Gemalink.
Hai tàu lớn cùng lúc cập cảng làm hàng tại Cảng Gemalink.

Cụm cảng CM-TV được xếp hạng cảng đặc biệt

Theo Quyết định 1579/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có cụm cảng CM-TV được xếp hạng cảng đặc biệt. Nhờ đó, các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải sẽ được ưu tiên đầu tư, gồm: Đầu tư nâng cấp tuyến luồng CM-TV phục vụ tàu đến 200 ngàn tấn (18.000 TEU).

Quan trọng hơn, Quyết định số 1629/QĐ-TTg đã mở ra nhiều cơ hội mới cho CM-TV, đặc biệt là định hướng phát triển, hiện đại hóa thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Đồng thời, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế. Cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV sẽ gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài TP.Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển chủ yếu của khu vực Đông Nam Bộ.

Quy hoạch cũng xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ đạt tầm quốc gia và quốc tế, đảm nhận chức năng phân phối hàng hóa của khu vực; liên kết chặt chẽ giữa hệ thống cảng biển quốc gia loại đặc biệt với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Xếp dỡ hàng container tại Cảng CMIT.
Xếp dỡ hàng container tại Cảng CMIT.

Khơi thông những "điểm nghẽn"

Dù có những thuận lợi nói trên, song theo đánh giá từ các chuyên gia cảng biển, một trong những "điểm nghẽn" của CM-TV để trở thành cảng trung chuyển quốc tế có tầm cỡ khu vực và thế giới đó là, hệ thống cụm cảng CM-TV đang bị chia cắt. Cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển. Bên cạnh đó, cảng còn thiếu tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ; chưa có một hệ sinh thái logistics và một hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức; chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài...

Để hệ thống cảng nước sâu CM-TV nhanh chóng trở thành một trong những cụm cảng trọng điểm quốc gia xứng tầm thế giới thì còn nhiều việc phải làm.

Theo ông  Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast), đến năm 2030 lượng hàng hóa về CM-TV sẽ đứng đầu khu vực phía Nam. Hàng hóa đi từ CM-TV rất thuận lợi, có thể tiếp nhận được các tàu lớn không cần trung chuyển qua Singapore hay Hong Kong, từ đây có thể trực tiếp đi châu Âu hay Mỹ. Việc đầu tư mạnh mẽ cho khu vực này không chỉ phát triển cho Bà Rịa -Vũng Tàu mà cho cả vùng trọng điểm phía Nam trong tương lai. Do đó, địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối cảng biển. Đó là, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với Cảng biển CM-TV.

Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng chỉ ra thêm "điểm nghẽn" hiện nay của khu cảng CM-TV đó là, mặc dù khối lượng hàng xuất nhập khẩu khu vực phía Nam chiếm tỷ trọng lớn trên cả nước nhưng “chân hàng” tại CM-TV còn rất khiêm tốn, chưa đủ sức hấp dẫn các hãng tàu, tập đoàn logistics lớn trên thế giới. “Tỉnh cũng như các DN cần có giải pháp để thu hút các hãng tàu xác định cụm cảng này là điểm trung chuyển, từ đó hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Theo đó, cơ sở hạ tầng với quy mô bến cảng, cầu cảng, luồng lạch phải bảo đảm độ sâu để các tàu mẹ vào làm hàng”- ông Trần Khánh Hoàng nói.

Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng trung chuyển quốc tế, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới. Để làm được điều này, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực nâng cao khả năng kết nối giao thông của tỉnh (đường bộ, đường thủy nội địa và trong tương lai là đường sắt), cũng như tập trung phát triển hệ sinh thái dịch vụ logistics như hệ thống kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics, đại lý hãng tàu, đại lý môi giới hàng hải. Đồng thời, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực công để tạo thuận lợi cho DN, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý hệ thống cảng CM-TV.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.