"Đầu tiên là công việc đối với con người"

Thứ Sáu, 23/08/2019, 19:10 [GMT+7]
In bài này
.

Bao trùm toàn bộ Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình yêu thương bao la, vô bờ bến mà Người dành “cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Mỗi lần đọc lại và suy ngẫm, từ câu, từng chữ trong Di chúc, ai cũng cảm nhận được Người quan tâm, chăm sóc ân cần, chu đáo từ trái tim nhân hậu, bao dung “ôm cả non sông, mọi kiếp người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đoàn đại biểu HS Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) ngày 19/5/1956. Ảnh: TƯ LIỆU
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đoàn đại biểu HS Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) ngày 19/5/1956. Ảnh: TƯ LIỆU

Nổi bật trong đạo đức nhân cách Hồ Chí Minh là: Thương dân, trọng dân, tin dân và tận tụy phục vụ nhân dân. 30 năm, Người đi khắp năm châu để tìm đường cứu nước, cứu dân; cả cuộc đời đấu tranh, hy sinh hạnh phúc riêng tư cũng vì dân. Với Người: Dân là nước, nước là dân, dân có giàu thì nước mới mạnh, dân có hạnh phúc, thì nước mới giữ vững được độc lập, tự do. Khát vọng lớn nhất và cũng là ham muốn đến tột bậc của Người là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. “Con người” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân dân - chủ thể và là đối tượng phục vụ cao nhất mà Người luôn hướng đến. Ngay sau cách mạng thành công, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, trái tim Người đau thắt: “Nước nhà giành được độc lập, mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa gì”. Trong những năm chiến tranh, cả nước dồn sức, toàn dân ra trận, Người nặng lòng, canh cánh nghĩ về dân: Hễ còn một người Việt Nam đói khổ là tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi Người tâm niệm: “CNXH trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và được sống đời hạnh phúc”.

Khi chuẩn bị “từ biệt thế giới này”, Người còn bao điều trăn trở, day dứt, lo toan trước những vấn đề lớn lao, mang tầm chiến lược của cách mạng. Trong Di chúc, điều đó được biểu hiện rất rõ: Nếu như “Trước hết nói về Đảng”, thì “Đầu tiên” Người lại dành nói về “công việc đối với con người”. 

Trải qua cuộc đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống xâm lược, hơn ai hết Người thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”. Nhưng: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Người biết ơn sâu nặng trước công lao của nhân dân, luôn mong muốn và không quên căn dặn: Ngay sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Muốn đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện sau chiến tranh, không còn con đường nào khác phải: “Mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh”; “Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “Xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn”... Dẫu biết rằng, đó là công việc “rất to lớn, nặng nề và phức tạp”, nhưng dẫu khó khăn đến mấy, theo Người cũng nhất thiết phải thực hiện.

“Nhân dân” trong Di chúc bao gồm tất cả các giai tầng trong xã hội, được Người đề cập cụ thể, không quên một ai, không bỏ sót một ai. Người dặn: Sau khi chiến tranh kết thúc “mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ”; với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ  “chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói”; với cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”; những chiến sĩ trẻ tuổi “cần chọn một số ưu tú nhất cho các cháu đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành… đội quân chủ lực” cho công cuộc kiến thiết nước nhà sau này; với đoàn viên, thanh niên: “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ” để thế hệ trẻ xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà, thật sự “vừa hồng, vừa chuyên”; đối với phụ nữ đảm đang, chịu nhiều thiệt thòi “phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”; với người nông dân “một nắng hai sương”, Người dành lòng nhân ái sâu nặng “tôi đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm… để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” và ngay cả những nạn nhân của chế độ cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… lòng bao dung, nhân hậu của Người vươn đến đỉnh cao: “Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.   

50 năm thực hiện Di chúc, đặc biệt là hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta có quyền tự hào trước những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề chăm lo đến con người và phát huy nhân tố con người theo nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã “đem hết sức mình” biến lý tưởng và những lời căn dặn của Người thành hiện thực trong cuộc sống của mọi đối tượng, thành phần, tầng lớp nhân dân và trên thực tế đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không chỉ được cải thiện, mà còn ngày càng được nâng cao. 

Đại hội lần thứ VI của Đảng, lần đầu tiên chính sách xã hội - chính sách cho con người được đề ra và đặt ngang hàng với chính sách kinh tế. Con người được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Nhân dân, trong đó các thành phần liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, người tàn tật, già cả neo đơn, trẻ em, phụ nữ, nạn nhân của chiến tranh… đều được Nhà nước và xã hội đặc biệt chăm lo. Điều đó được thể hiện sinh động qua các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự hưởng ứng tự nguyện, nhiệt tình, sôi nổi của quần chúng và thành quả thiết thực, to lớn mang lại trong các phong trào: Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Đó là món quà quý giá kính dâng để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Người nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng.   

NGUYỄN QUANG PHI

;
.