HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chống thói xu nịnh

Thứ Hai, 21/01/2019, 17:16 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với những biểu hiện: Ích kỷ, hẹp hòi, ba hoa, tự phụ, kiêu căng, thu vén cá nhân… thì xu nịnh cũng là một “căn bệnh”, là “giặc nội xâm, giặc trong lòng” gây nguy hại cho cách mạng, cần phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và loại bỏ. Mục 4, Điều 1, Đề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt cũng quy định rõ về việc cán bộ, công chức, viên chức không được nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, Người cảnh báo trong đội ngũ cán bộ bắt đầu xuất hiện mầm mống thói xu nịnh, mà sau này, năm 1947, Người gọi đó là “bệnh xu nịnh a dua”. Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa then chốt, quyết định đến sự thành bại của cách mạng, vậy mà Người phải lo lắng, suy tư, bởi thói xu nịnh bắt đầu len lỏi ít nhiều trong công tác cán bộ do chi phối từ những “bọn vu vơ bao vây”. Người phê phán mọi biểu hiện của thói xu nịnh: Kẻ xu nịnh thường hay “trở mặt”, “theo gió bẻ măng”; sống theo lối ba phải “Trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng ai cũng xấu”, “Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”. 

Sau khi giành chính quyền, Người đã chỉ ra trong bộ máy quản lý nhà nước có nhiều biểu hiện không bình thường: Đã có cán bộ “ai hợp với mình thì dù là xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người ta xuống”. Nguy hại hơn, còn “Ham dùng những người hợp tính tình với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực”. Những hành vi đó, theo Người sẽ gặm nhấm, bào mòn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm “hỏng cả danh giá của người lãnh đạo. Hỏng công việc của Đảng”.

Trong di sản Hồ Chí Minh, Người từng cảnh báo: Thói xu nịnh sẽ làm hư hỏng con người, hư hỏng cán bộ và hư hỏng cả thể chế. Khi kẻ xu nịnh được ưu ái, trọng dụng, thì họ sẽ tận dụng triệt để cơ hội để “Xoáy tiền của Nhà nước, đục khoét của dân”; ton hót, nói xấu nhằm hạ bệ những người ngay thẳng, gây nên sự nghi kỵ trong đơn vị, cơ quan, dẫn đến mất đoàn kết nghiêm trọng. Khi những kẻ xu nịnh được trọng dụng, đồng nghĩa những người ngay thẳng ít có cơ hội tiến thân, xâm hại đến tính công bằng trong xã hội “Thẳng thắn, thật thà thời thua thiệt”. Để tránh được cạm bẫy của những kẻ xu nịnh, để loại trừ được thói xu nịnh là điều không dễ, cho dù nhận biết hành vi xu nịnh không khó. Điều quan trọng nhất theo Người là phải “vứt bỏ cái ba lô chủ nghĩa cá nhân” trong mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi còn chủ nghĩa cá nhân là còn thói xu nịnh.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9, khóa XII của Đảng đã bàn và quyết định về việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng. Trung ương kiên quyết không để cho những kẻ cơ hội, xu nịnh, luồn lách, “con lươn, con chạch” chui vào các cấp lãnh đạo của Đảng. Ngày 27-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Văn hóa công vụ”, trong đó quy định: Cán bộ, công chức, viên chức “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Chính phủ hành động, liêm chính đã trở về đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, chính thức tuyên chiến với căn bệnh xu nịnh. Đây là những quyết sách đúng đắn nhằm loại trừ mọi hậu họa có thể xảy ra.

Tết cổ truyền của dân tộc đã đến gần, một trong những thời điểm nhạy cảm, rất dễ trỗi dậy căn bệnh xu nịnh “lấy lòng cấp trên” thông qua “thăm hỏi, quà cáp, biếu xén” mà thực chất là “hối lộ”. Chính phủ cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước đã kịp thời chỉ đạo: Tập trung lo Tết cho dân, không lo quà cáp, biếu xén cấp trên. Những hành vi biếu quà trái quy định, không trong sáng, lấy lòng cấp trên mang tính vụ lợi có thể bị xử lý về tội hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự. 

Quan điểm và hành lang pháp lý để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ bệnh xu nịnh đã có. Để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả, cần huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh phòng, chống thói xu nịnh; Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan truyền thông cần phát huy vai trò của dư luận xã hội nhằm phê phán, lên án với mọi hành vi xu nịnh. Những tác động mạnh mẽ từ nhân dân, từ xã hội buộc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự điều chỉnh hành vi của mình. Thói xu nịnh là phép xử thế của những kẻ bất tài, kém đức, muốn tranh giành lợi ích cho riêng mình, họ chỉ còn con đường duy nhất là nịnh. Ngược lại người có tài thường không xu nịnh; người có bản lĩnh, tự trọng thường không thích nghe nịnh. Trong cuộc sống, ứng xử và hoạt động công vụ, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, trước hết những người trên cương vị đứng đầu cần đề cao trách nhiệm nêu gương, tự tu dưỡng, rèn luyện, dám nghe những lời nói thẳng, nói thật, cảnh giác với những kẻ xu nịnh, luôn ghi nhớ và thực hành phương châm: “Ai vạch cho ta sai lầm, đó là thầy ta. Ai chỉ cho ta những hành động sai trái đó là bạn ta. Còn ai phỉnh nịnh ta, đó là kẻ thù của ta”.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.