HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Thực hành dân chủ với nhân dân: Chìa khóa vạn năng để giải quyết khó khăn

Chủ Nhật, 03/03/2019, 18:26 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng ngôn từ mộc mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt khái niệm dân chủ mà bất cứ ai, dù chưa biết đọc, biết viết vẫn có thể hiểu được. Dân chủ, theo Người: “Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn”. Trên phương diện quyền lực: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền”, “mọi quyền hành đều ở nơi dân”; “người dân ở địa vị cao nhất, còn từ Chủ tịch nước đến cán bộ, công chức đều là đầy tớ của dân”, có bổn phận phục vụ nhân dân. Người khẳng định như thế là dân chủ.

Thực hành dân chủ là một phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Nó quan trọng và cần thiết như phương pháp nêu gương, thuyết phục, cổ vũ nhân dân. Người rất chú trọng thực hành dân chủ trong dân, bởi Người quan niệm: Dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân. Khi dân chủ được phát huy, sẽ giải phóng được mọi tiềm năng sáng tạo, kích thích nở rộ tài năng, sáng kiến của dân, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và đó chính là nguồn lực to lớn thúc đẩy đất nước phát triển. Có dân chủ thì quyền tự do tư tưởng, tự do tranh luận được tôn trọng. Đó là nền tảng để đi đến chân lý và khắc phục mọi mệnh lệnh áp đặt chủ quan. Dân có trăm tai nghìn mắt, nếu quyền dân chủ được mở rộng thì chính nhân dân là lực lượng giám sát, phát hiện những khuất tất, sai trái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giúp ngăn chặn, đẩy lùi  tham nhũng, quan liêu, làm cho bộ máy trong sạch và bảo vệ được cán bộ cho Đảng. Ngược lại, nếu thiếu dân chủ, dân chủ hình thức hoặc vi phạm quyền dân chủ sẽ làm triệt tiêu mọi động lực, sức sáng tạo và sức mạnh của nhân dân. Không phát huy được quyền dân chủ của nhân dân, đất nước sẽ không bao giờ đạt tới sự giàu mạnh, công bằng, văn minh.

Đoàn viên, thanh niên chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lưỡng (ở tổ 6, ấp Đông, xã Long Phước, TP.Bà Rịa). Ảnh: MINH NHÂN
Đoàn viên, thanh niên chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lưỡng (ở tổ 6, ấp Đông, xã Long Phước, TP.Bà Rịa). Ảnh: MINH NHÂN

Lực lượng trong dân là vô cùng, vô tận; của cải và sức sáng tạo của nhân dân cũng vô cùng, vô tận; mặt khác nhân dân lại rất tài giỏi, thông minh “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết”, “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Thực hành dân chủ là phải biết phát huy nhân lực, vật lực và trí lực của dân, “để cho dân nói” và phải “làm sao cho dân được mở mồm ra”. Có dân chủ thật sự thì “quần chúng mới đề ra sáng kiến” cho cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước. Thực hành dân chủ còn phải khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tạo điều kiện để nhân dân dám nói, dám làm, dám phê bình cán bộ, đảng viên. Nhân dân rất khôn khéo, hăng hái và biết hết mọi việc làm của cán bộ, đảng viên, do vậy, thực hành dân chủ phải bám sát cuộc sống của dân, “việc gì cũng bàn với dân, dân sẽ có ý kiến hay”, mọi chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước phải giải thích cặn kẽ cho dân hiểu. Những chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng mà dân cho là không hợp thì chúng ta đề nghị dân sửa lại, dựa vào ý kiến của dân mà chúng ta điều chỉnh. “Nếu dân chúng nói 10 điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích” Người nói. Vì lẽ đó, cán bộ nhất là người đứng đầu phải “để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa”. Nơi nào, lúc nào mà quần chúng muốn nói và dám nói, thì nơi đó, lúc đó Đảng và chính quyền yên tâm. Ngược lại, sẽ là nguy cơ không thể xem thường “Trên thì cứ tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì lại không dám nói ra. Họ không nói, không phải là họ không có ý kiến, vì họ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị trù dập. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản, rồi sinh thứ “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”; “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”; sinh ra thói thầm thà, thầm thụt”. Khi quyền dân chủ và những lợi ích chính đáng của nhân dân bị xâm hại, thì dân sẽ oán và mỗi khi dân đã oán thì “chúng ta mất hết”.

Để nhân dân tự nguyện bày tỏ hết tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, trăn trở, suy nghĩ với Đảng và chính quyền các cấp, ngoài xây dựng thiết chế nhà nước dân chủ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để người dân có điều kiện thực hiện quyền dân chủ, Người còn nhắc nhở: Phải  bảo đảm dân chủ thực chất và toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó chú trọng tạo công ăn việc làm, tôn trọng lợi ích chính đáng và đảm bảo công bằng xã hội trong phân phối lợi ích cho các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải gần dân, học dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân với thái độ thành khẩn, cầu tiến; phải tẩy sạch căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, coi khinh nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Người, quyền dân chủ của nhân dân không còn nằm trên sách vở, càng không dừng lại ở lời nói suông, mà trở thành hành động cụ thể “thực hành dân chủ là để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền tự do”. Cả cuộc đời, Người đã hiến dâng để không chỉ thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, mà còn không ngừng thực hành dân chủ, đem lại quyền làm chủ thật sự cho dân; tạo động lực to lớn, mạnh mẽ đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc  tiến bước cùng thời đại.

Nhiệm vụ hiện nay của toàn Đảng, toàn dân là thực thi để biến những giá trị to lớn trong di sản dân chủ của Người thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội. Những biểu hiện vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, chuyên quyền, độc đoán, vi phạm dân chủ, xâm hại lợi ích của nhân dân, cùng với chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã  gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đó không chỉ là những lực cản cần kiên quyết loại bỏ, mà còn là bài học kinh nghiệm đắt giá về thực hành dân chủ đáng phải suy nghĩ. Cách mạng bước sang trang mới, để vượt qua những thách thức, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải xây dựng lối sống, phong cách ứng xử và hành động dân chủ thành văn hóa dân chủ; phải tin dân, nghe dân, luôn thấm nhuần lời dặn của Người: “Phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.