Điểm đến của du lịch BR-VT đủ sức hút để cạnh tranh

Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:18 [GMT+7]
In bài này
.

Dù có rất nhiều điểm đến nổi tiếng, nhưng du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa tạo được sự cuốn hút đặc biệt đối với du khách. Nhiều doanh nghiệp lữ hành khi tổ chức tour du lịch tại BR-VT cảm thấy khó xây dựng những tour dài ngày. 

Nhà Lớn Long Sơn là điểm đến khá hấp dẫn của du lịch BR-VT, đủ đáp ứng trong các tour dài ngày. Trong ảnh: Du khách nghe chuyện kể về đạo ông Trần ở Nhà Lớn Long Sơn. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Nhà Lớn Long Sơn là điểm đến khá hấp dẫn của du lịch BR-VT, đủ đáp ứng trong các tour dài ngày. Trong ảnh: Du khách nghe chuyện kể về đạo ông Trần ở Nhà Lớn Long Sơn. Ảnh: ĐĂNG KHOA

NHỮNG ĐỊA DANH LÀM NÊN KHÁC BIỆT

Theo giới kinh doanh du lịch, nếu nói về tắm biển, nghỉ dưỡng, các địa danh Bãi Trước, Bãi Sau, Long Hải của BR-VT đã nổi tiếng từ cách đây hơn 200 năm. Cũng từ lợi thế về địa hình và điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành, BR-VT còn có những điểm nhấn vượt trội, khác biệt so với các tỉnh có cùng lợi thế biển như Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Trong đó, đặc sắc nhất có lẽ là đảo Long Sơn và tín ngưỡng đạo ông Trần. Trải qua hơn 100 năm kể từ ngày ông Trần đến khai phá ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), khai sinh đạo ông Trần và xây dựng quần thể Nhà Lớn, đến nay, những phong tục của cư dân trên đảo như mặc áo bà ba đen, tóc búi củ hành, đầu trần, chân đất, nếp sinh hoạt cộng đồng và kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ tương tự đình làng Bắc bộ... luôn chứa đựng nhiều bí ẩn kích thích sự khám phá của nhiều người. Bên cạnh đó, cuộc sống cư dân trên đảo gắn liền với sông nước như nghề nuôi trồng thủy hải sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven sông Chà Và, sông Dinh cũng rất đáng để du khách thưởng ngoạn.

5 năm trở lại đây, Bảo tàng Vũ khí cổ tại số 98, Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Vũng Tàu cũng được xếp vào hàng “độc” của Việt Nam và thế giới. Với sự dày công sưu tập và không ngừng bổ sung làm giàu thêm kho vũ khí, quân trang, quân dụng thế giới từ cổ đến hiện đại, Bảo tàng Vũ khí cổ là điểm thu hút khách du lịch tham quan, khám phá. Nhiều du khách cho biết, để tìm hiểu hết lịch sử từng loại vũ khí, lịch sử các cuộc chiến tái hiện tại bảo tàng, thời gian phải tính bằng tháng, bằng năm, chứ 1-2 ngày chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Xuôi về hướng Long Điền, Đất Đỏ, có một địa danh gắn liền với đời sống tâm linh của cư dân biển là nghĩa địa Cá Ông ở làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Nghĩa địa Cá Ông hiện tại có gần 200 mộ. Sau 3-5 ngày kể từ ngày Ông lụy (chết), người đưa Ông vào bờ chôn cất sẽ làm lễ thượng ngọc cốt (cải táng) thỉnh vào Dinh thờ rồi xả tang. Xung quanh truyền thuyết về việc Cá Ông thường xuất hiện khi ghe tàu gặp nạn để cản sóng gió, giúp ghe tàu vào bờ an toàn và cứu sống ngư dân, nghi thức mai táng, cải táng xả tang và lễ Nghinh Ông... là những kho khám phá vô tận để du khách hiểu thêm về chiều sâu văn hóa của BR-VT.

Bên cạnh đó, rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu, hệ thống di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, thiên nhiên vườn quốc gia Côn Đảo chứa đựng những giá trị độc đáo, đặc sắc mà tất cả các tỉnh, thành có thế mạnh về du lịch biển không thể có được.

Bảo tàng Vũ khí cổ thu hút đông khách tham quan là điểm đến rất được du khách yêu thích.
Bảo tàng Vũ khí cổ thu hút đông khách tham quan là điểm đến rất được du khách yêu thích.

TÌM HƯỚNG ĐƯA SẢN PHẨM VĂN HÓA ĐẾN DU KHÁCH

Theo ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh, 3 năm gần đây, BR-VT quyết tâm làm sạch đẹp môi trường biển, tăng cường quản lý giá cả. Thời gian đầu, lượng khách du lịch tăng mạnh, hiệu ứng rất tích cực. Thế nhưng, gần đây, tốc độ tăng trưởng chậm lại. Thống kê từ Sở Du lịch, lượng khách và doanh thu du lịch kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua chỉ tăng hơn 1% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Du lịch vẫn loay hoay với bẫy du lịch bình dân, nặng mùa vụ.

Nhằm quảng bá thế mạnh du lịch địa phương, nhất là các điểm đến gắn với văn hóa bản địa, mới đây, Hiệp hội Du lịch phối hợp với Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam tổ chức cho đại diện 75 DN lữ hành trong nước khảo sát điểm đến BR-VT trong khuôn khổ chương trình famtrip “Hào khí miền Đông”, kết nối tuyến du lịch TP.Hồ Chí Minh- Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Qua chuyến khảo sát, đại diện nhiều DN lữ hành đã chỉ ra những yếu điểm nội tại của ngành du lịch và hiến nhiều kế hay. Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban sản phẩm mua dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel cho biết, từ năm 2018 đến nay, lượng khách MICE do Vietravel đưa về BR-VT tăng hơn 30% so với năm 2017. Khách MICE rất hài lòng với hệ thống khách sạn, resort 4, 5 sao tại Xuyên Mộc, Đất Đỏ, TP.Vũng Tàu. Thế nhưng, khi họ muốn tham quan, tìm hiểu văn hóa bản địa, Vietravel thật sự không biết đưa đi đâu. Do vậy, lịch trình tour BR-VT Vietravel xây dựng thường chỉ 2 ngày 1 đêm. “Các DN lữ hành định hướng đưa khách về BR-VT thường ở xa, có thể là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, miền Trung hoặc Hà Nội. Họ không thể thường xuyên có thông tin điểm đến BR-VT. Những thông tin thu thập từ chuyến đi này rất hữu ích cho tôi. Sau chuyến đi, tôi sẽ xây dựng lịch trình trải nghiệm BR-VT 3 ngày 2 đêm và nhiều hơn thế nữa”, bà Uyên nói.

Theo bà Dương Thủy, đại diện HHDL TP.Hồ Chí Minh cho rằng, giờ đây, BR-VT hội đủ điều kiện thuận lợi để cạnh tranh với các tỉnh, thành khác trong thu hút du khách như: giao thông thủy bộ dễ dàng (chỉ mất 1 giờ 30 phút từ TP. Hồ Chí Minh về BR-VT nếu đi tàu cánh ngầm và đường bộ), ngày càng có nhiều khu du lịch lớn, tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ đồng bộ đi vào hoạt động. Tuy vậy, cần phát huy giá trị khác biệt từ tự nhiên, văn hóa và chính sách thu hút đầu tư phù hợp để có được những khu vui chơi lớn thì mới mong kéo được khách có mức chi tiêu cao, khách trân trọng tài nguyên thiên nhiên, mong muốn tìm hiểu đời sống, văn hóa cư dân bản địa chứ không phải ồ ạt khách bình dân, chi tiêu thấp như hiện nay.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
;
.