Tạo thế và lực mới để BR-VT bứt phá đi lên

Thứ Sáu, 25/09/2020, 00:24 [GMT+7]
In bài này
.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ VII đã khai mạc trọng thể vào sáng qua 24/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP.Bà Rịa). Trong diễn văn khai mạc Đại hội, đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tạo thế và lực, mở ra thời cơ, vận hội mới để BR-VT bứt phá đi lên. Giải quyết vấn đề thế và lực, trong giai đoạn tiếp theo, trên thực tế chính là tạo sức bật trong 4 trụ cột kinh tế (công nghiệp, cảng biển, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) gắn với quá trình sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư xã hội và thực hiện tốt 5 đột phá đã được xác định tại Báo cáo Chính trị trình Đại hội.

Bên lề Đại hội Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ VII, Báo BR-VT đã trao đổi với các đại biểu là lãnh đạo các ngành về những giải pháp tạo thế và lực mới để có thể giúp địa phương phát triển bứt phá trong các lĩnh vực quan trọng, trụ cột.

Đại biểu biểu quyết số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại biểu biểu quyết số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CÔNG VINH, GIÁM ĐỐC SỞ KẾ HOẠCH - ĐẦU TƯ:

Sử dụng nguồn vốn có trọng tâm, tiết kiệm và hiệu quả

Cần phải thấy rằng, việc sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tiết kiệm là yếu tố quan trọng hàng đầu để đạt được các mục tiêu, định hướng giai đoạn 2020 - 2025.

Theo đó, tỉnh sẽ phân bố vốn đầu tư bảo đảm phù hợp với các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và các quy hoạch đã được phê duyệt, kế hoạch tài chính 5 năm của tỉnh; bảo đảm cân đối ngân sách, không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Phân bổ vốn theo thứ tự ưu tiên: Phân bổ đủ vốn thanh toán các dự án hoàn thành, chuyển tiếp; Phân bổ vốn cho các chương trình, đề án; Phân bổ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…

Tỉnh cũng tập trung triển khai đầu tư các công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông kết nối; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, đảm bảo quốc phòng an ninh và tái định cư cho người dân. Khai thác nguồn lực từ quỹ đất, tài sản công đã được phê duyệt phương án đấu giá, tập trung hoàn thành đấu giá để sử dụng nguồn thu này bố trí vốn cho các dự án trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục rà soát quỹ đất công phù hợp với quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ để xây dựng phương án đấu giá đất, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương đầu tư các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh các giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn xã hội để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

ĐỒNG CHÍ TRẦN THƯỢNG CHÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG - VẬN TẢI:

Triển khai các dự án giao thông trọng điểm kết nối cảng biển

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh BR-VT định hướng sẽ tập trung phát triển giao thông kết nối để phát huy lợi thế cảng biển BR-VT. Trong đó, có 4 dự án trọng tâm, tỉnh xác định sẽ thúc đẩy triển khai nhanh và hiệu quả trong giai đoạn này.

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tập trung khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong đó có nhánh kết nối xuống cụm cảng. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng để giảm tải cho QL51 đang quá tải. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 78km, được chia thành các đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ (cao tốc) dài 38km; đoạn Phú Mỹ - đường ven biển TP.Vũng Tàu dài 28km; đoạn từ đường ven biển TP.Vũng Tàu đến Quốc lộ 51C dài 2,8km và đoạn nối Phú Mỹ - Quốc lộ 51 (vào cảng Cái Mép - Thị Vải) dài 8,8km. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 38km đường cao tốc từ Biên Hòa đến TX.Phú Mỹ và 8,8km đường nhánh nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải được đầu tư theo hình thức PPP với mức đầu tư 15.633 tỷ đồng. Còn giai đoạn 2 từ Phú Mỹ đến Vũng Vằn có mức đầu tư khoảng 8.060 tỷ đồng.

Tiếp đến là khởi công, xây dựng cầu Phước An để kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua việc kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Dự án này có tổng mức đầu tư 4.879 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 2.879 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị với Bộ GT-VT nạo vét chuẩn tắc luồng Cái Mép - Thị Vải đạt (-) 15,5m để đảm bảo tàu trọng tải lớn dễ dàng ra vào. Và kiến nghị Chính phủ bổ sung, cơ cấu nguồn vốn đầu tư hệ thống đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cũng như bổ sung hệ thống đường sắt từ Tây Ninh - Bình Phước xuống Bình Dương, Đồng Nai và kết nối vào hệ thống đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Từ đó sẽ tạo thêm một phương thức vận tải mới kết nối với hệ thống cảng.

Việc hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm nói trên, sẽ bảo đảm giao thông kết nối BR-VT với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo lực đẩy mới để phát triển đột phá cho kinh tế cảng biển của tỉnh.

 

ĐỒNG CHÍ TRẦN THỊ NGỌC CHÂU, GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO:

Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh BR-VT giai đoạn 2020-2025, đối với ngành giáo dục chúng tôi sẽ thực hiện 3 giải pháp cơ bản.

Giải pháp đầu tiên là tiếp tục chú trọng giáo dục chất lượng cao, đặc biệt là hoàn thiện các kỹ năng tiếng Anh và Tin học cho học sinh, sinh viên. Coi trọng đầu tư vật chất, trang thiết bị, xây dựng môi trường học tập tiếp cận được với đà phát triển của công nghệ, giúp cho học sinh, sinh viên sau khi đào tạo có đủ tâm thế, tri thức để hội nhập và phát triển.

Thứ hai, với phương châm có giáo viên giỏi thì có học sinh giỏi. Do đó, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới sáng tạo. Nêu cao tinh thần tâm huyết với nghề, phục vụ sự nghiệp trồng người cũng chính là phục vụ cho sự phát triển ngày càng giàu đẹp của quê hương BR-VT.

Ngành GD-ĐT cũng chú trọng định hướng cho học sinh về các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh: công nghiệp, cảng biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Giúp học sinh, sinh viên của tỉnh nhận thức rằng, BR-VT vừa là mảnh đất đáng sống, vừa có nhiều cơ hội nghề nghiệp có thể phát triển bản thân. Từ đó, bồi đắp tinh thần xây dựng quê hương, xây dựng tỉnh BR-VT ngày càng vững mạnh.

 

ĐỒNG CHÍ TRỊNH HÀNG, GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH:

Nỗ lực xây dựng chiến lược truyền thông quảng bá du lịch

Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Từ đầu năm 2019 đến nay, dịch bệnh COVID-19 diễn ra làm đảo lộn nhiều hoạt động, trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, từ khó khăn, cũng là dịp để nhìn nhận lại, và nghiên cứu giải pháp phù hợp trong tình hình mới.

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của ngành Du lịch tỉnh là phát triển các thương hiệu du lịch đẳng cấp, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp. Điều chỉnh quy hoạch, khai thác tối đa hiệu quả các tuyến du lịch ven biển. Bên cạnh đó, ngành du lịch địa phương đang nỗ lực thực hiện đề án truyền thông về du lịch, xây dựng chương trình tổng thể để xác định đâu là thị trường chuyên sâu, mở rộng, đâu là thị trường truyền thống. Từ đó có những cách thức quảng bá tốt hơn. Ngoài ra, ngành cũng sẽ quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chương trình du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

 

ĐỒNG CHÍ TRẦN VĂN CƯỜNG, GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP - PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN:

Chủ động mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Cùng với công nghiệp, cảng biển và du lịch, tỉnh BR-VT xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trụ cột kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 61 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.819ha... sản lượng mỗi năm ước đạt 37.906 tấn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện có 131 trang trại chăn nuôi gia cầm đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chiếm 27,5% tổng đàn chăn nuôi gia cầm. Lĩnh vực thủy sản có 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với diện tích 391ha, trong đó đang sản xuất 222ha, sản lượng ước đạt 1.821 tấn/năm và 4,8 tỷ con giống/năm.

Xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong 4 lĩnh vực kinh tế trụ cột của tỉnh, đồng nghĩa với việc phải làm rõ hiện trạng về nguồn lực, thu hút đầu tư trọng tâm vào lĩnh vực gì, ở đâu, những lợi thế nào cần tập trung. Từ đó mới có cơ sở mời gọi và tìm nhà đầu tư có tiềm năng. Trong thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ chủ động khảo sát, xác định vùng, điểm đầu tư và chủ động mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành cũng sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích nhà đầu tư, để tạo thêm sức hút vào lĩnh vực này.

 

ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN MINH, BÍ THƯ TỈNH ĐOÀN:

Đoàn là đội dự bị tin cậy của Đảng

Qua truyền thống lịch sử, sự dìu dắt của Đảng, lực lượng đoàn viên, thanh niên tỉnh BR-VT tâm nguyện thực hiện sống, lao động, học tập, cống hiến với lý tưởng cao đẹp. Trong giai đoạn 2020-2025, với vai trò của tổ chức đoàn, chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà tổ chức Đảng đã giao. Bên cạnh đó, sẽ tích cực tuyên truyền lý tưởng, đạo đức để xây dựng lớp đoàn viên, thanh niên trở thành những hạt giống đỏ, là đội dự bị xứng đáng của Đảng. Góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương BR-VT ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Nhóm PV THỜI SỰ

 

;
.