Phòng ngừa, đấu tranh với "bất bạo động"

Thứ Năm, 20/08/2020, 20:36 [GMT+7]
In bài này
.

Là một phương thức hoạt động chống phá nguy hiểm nhưng “bất bạo động” lại thường được ngụy trang dưới danh nghĩa phản kháng “ôn hòa”, “dân sự”. Vì vậy, việc nhận diện đúng bản chất của phương thức “bất bạo động” không chỉ góp phần thống nhất nhận thức mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, từ đó chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.

Có thể nhận diện phương thức “bất bạo động” với những đặc trưng cơ bản sau:

Một là, “bất bạo động” là phương thức hoạt động không sử dụng vũ khí, súng, đạn mà sử dụng áp lực của quần chúng, từng bước làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền và chính phủ, nhà nước đương nhiệm ở các quốc gia. Khác với phương thức bạo lực, vũ trang, “bất bạo động” là phương thức hoạt động chống đối không sử dụng vũ trang mà chủ yếu tập trung vào việc sử dụng sức mạnh của quần chúng để chống đối chính quyền, trên cơ sở hô hào, kích động quần chúng tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền; kích động công nhân đình công, bãi công; lôi kéo, lừa bịp, kích động các giai tầng xã hội xuống đường tuần hành, biểu tình, gây áp lực với Đảng, Nhà nước, đòi thực hiện các yêu sách như: đòi Đảng cầm quyền từ bỏ vai trò lãnh đạo; đòi cải cách chính trị; phi chính trị hóa lực lượng vũ trang… Từ đó làm suy yếu, tiến tới vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, chính quyền đương nhiệm, lập nên chính quyền mới thân với các thế lực thù địch nước ngoài.

Hai là, tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền, đưa chính quyền vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là những nội dung cơ bản của phương thức “bất bạo động”. Cụ thể, chủ yếu là tẩy chay, bất hợp tác về kinh tế; bất hợp tác về chính trị; bất hợp tác xã hội…

Ba là, đình công, biểu tình, tuần hành chống đối chính quyền là hình thức chủ yếu, đặc trưng chính của “bất bạo động”. Mục tiêu chính của các thế lực thù địch, phản động trong thực hiện phương thức “bất bạo động” là bằng những “chiến thuật” hòa bình trong đấu tranh chính trị để lật đổ chính quyền. Do đó, đình công, biểu tình, tuần hành là hình thức được chúng xác định mang lại hiệu quả cao nhất, ít thiệt hại nhất. Đồng thời, sử dụng các hình thức này, trong trường hợp chính quyền sử dụng vũ lực để đàn áp thì đó sẽ là điều kiện thuận lợi, là “cái cớ” để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng can thiệp, gây sức ép, thậm chí sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công.

Bốn là, “bất bạo động” đến một mức độ nhất định có thể chuyển thành “bạo động” khi có điều kiện, thời cơ. Về hình thức, “bất bạo động” được thể hiện thông qua các biện pháp “ôn hòa”, “dân sự”. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, không phải bất cứ lúc nào, trong trường hợp nào “bất bạo động” cũng đều là ôn hòa, phi bạo lực. Khi “bất bạo động” đến một mức độ nhất định có thể chuyển thành “bạo động”. Nói cách khác, ranh giới giữa “bất bạo động” và “bạo động” là khá mong manh, có thể chuyển hóa cho nhau rất nhanh chóng.

Ở Việt Nam, thời gian gần đây được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch nước ngoài, các tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng chống đối cực đoan trong nước đang ra sức hô hào, tuyên truyền rộng rãi về phương thức “bất bạo động” trên các trang mạng xã hội; mở các lớp huấn luyện, đào tạo về “bất bạo động” cho số đối tượng chống đối, phản động; triệt để lợi dụng các vụ việc, sự kiện chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm để lôi kéo, kích động, thu hút quần chúng tham gia vào các hoạt động trái pháp luật…

Có thể thấy rằng, “bất bạo động” là một phương thức hoạt động với những thủ đoạn “mềm dẻo” không bộc lộ trực tiếp và lộ liễu tính thách thức về chính trị và sự đối kháng với chính quyền. Điều này không chỉ giúp các đối tượng tránh được sự trấn áp của chính quyền mà còn gây ra nhiều khó khăn đối với công tác phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng.

Nguy hiểm hơn nữa là nó có khả năng gây ra mơ hồ, ngộ nhận trong một bộ phận quần chúng và sự “ủng hộ” trong dư luận quốc tế và trong nước, dễ lừa bịp, lôi kéo sự tham gia của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là đối với thanh niên, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, thậm chí kể cả cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Vì vậy, việc nhận diện bản chất của “bất bạo động” có ý nghĩa hết sức quan trọng…

NGUYỄN SƠN (CAND)

;
.