GÓP Ý KIẾN XÂY DỰNG DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Phát triển KCN sinh thái "đón sóng" đầu tư

Thứ Năm, 16/07/2020, 20:47 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh mới của thế giới và của đất nước, BR-VT cần hướng trọng tâm vào đổi mới mô hình tăng trưởng lấy khoa học, công nghệ, nhân lực chất lượng cao làm cơ bản. Các KCN phải được nâng cấp theo định hướng mới của Chính phủ, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh.  

Một góc KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ).
Một góc KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ).

BR-VT là địa phương có trình độ phát triển cao, có lợi thế khác biệt lớn so với nhiều tỉnh khác, do đó đủ điều kiện tài lực và nhân lực tại chỗ và từ bên ngoài để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, từ đó thay đổi định hướng, cơ cấu ngành, lĩnh vực kinh tế, chuyển sang KCN sinh thái tại KCN hiện có, đầu tư một vài KCN chuyên biệt để góp phần xây dựng tỉnh trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, BR-VT cần rà soát cơ cấu ngành, lĩnh vực trong các KCN trên cơ sở các định chuẩn phát triển KCN trong giai đoạn mới để giảm dần, tiến tới chấm dứt hoạt động một số dự án sử dụng quá nhiều đất, hiệu quả kinh tế-xã hội thấp, gây ô nhiễm môi trường, phát ra khí thải nhà kính. Đối với dự án đã hoạt động trên 20 năm thì cần hướng dẫn và theo dõi chủ DN đổi mới công nghệ để có năng suất, chất lượng cao hơn, bảo đảm an toàn lao động hơn, thân thiện với môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh.    

Tỉnh cần kiên quyết xử lý các dự án đã ngừng hoạt động nhưng không có khả năng khôi phục, các dự án đã quá thời gian quy định nhưng không triển khai, thu hồi đất để sử dụng vào những mục đích khác; đồng thời hỗ trợ để dự án, DN đang gặp khó khăn do tác động từ biến động của thị trường thế giới và trong nước để nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo lập lòng tin của nhà đầu tư quốc tế và trong nước.

Tỉnh cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số quy mô lớn của các nhà đầu tư tiềm năng-các tập đoàn kinh tế nằm trong top 500 thế giới, xây dựng một vài KCN chuyên biệt, đồng thời chuyển đổi KCN theo hướng KCN sinh thái theo hướng xã hội hóa từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật của KCN đến quảng bá, xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế để lựa chọn được dự án và nhà đầu tư mong muốn nhằm thực hiện được định hướng mới về cơ cấu ngành, lĩnh vực trong KCN.

Tỉnh cần xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của hàng vạn người lao động làm việc tại các KCN.

Quản lý Nhà nước về FDI bắt đầu từ công tác xúc tiến đầu tư để quảng bá dự án và tìm kiếm nhà đầu tư. Từ khi Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố thì chính quyền phương đã có nhiều sáng kiến, phương thức xúc tiến đầu tư. Tuy vậy, tình trạng phổ biến là tổ chức các cuộc hội thảo, hội họp để đại diện chính quyền giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tiếp xúc với nhà đầu tư, trao giấy chứng nhận và ký thỏa thuận đầu tư.

Các tổ chức xúc tiến đầu tư của tỉnh căn cứ vào định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ của tỉnh và các dự án cần thu hút FDI để thông qua internet tìm đến các tập đoàn kinh tế lớn đang có chiến lược toàn cầu, trong đó Việt Nam là điểm đến của họ để tiếp cận, cung cấp thông tin cập nhật đáp ứng yêu cầu của họ cho đến khi tập đoàn đó quyết định đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu thì hỗ trợ họ trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án.

Từ thay đổi phương thức hoạt động, tỉnh cần cơ cấu lại các tổ chức xúc tiến đầu tư hiện có theo hướng chuyên nghiệp, độc lập, không chồng chéo, không trùng lặp, có thể kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch phù hợp với đặc thù của địa phương.

Kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy rằng, tăng cường cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang hoạt động là giải pháp hữu hiệu để nâng cao lòng tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Mỗi khi đã lựa chọn được nhà đầu tư đủ tiềm năng thực hiện dự án FDI thì có điều kiện giảm thiểu thủ tục thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư, bởi vì không mất nhiều thời gian để xem xét năng lực tài chính, công nghệ, thị trường bảo đảm thực hiện dự án; bộ máy quản lý KCN có thể chuyển trọng tâm sang hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án để đưa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời.

Tỉnh cần coi trọng đầu tư đủ nhân lực và tài chính để thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kết nối thông tin giữa tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp, với Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Trung tâm thông tin của bộ, ngành nhằm đổi mới cơ bản việc thu thập, xử lý thông tin trong quản lý nhà nước để đánh giá đúng thực trạng, xử lý kịp thời và có kết quả mọi tình huống liên quan đến khu vực FDI.

GS-TS NGUYỄN MẠI

 
;
.