Về thăm Pác Bó

Thứ Sáu, 08/11/2019, 07:31 [GMT+7]
In bài này
.

Đầu Đông, tiết trời Đông Bắc đã bắt đầu se se lạnh, mây mù che khuất đỉnh núi Các Mác, suối Lê-nin vẫn chia hai nửa trong và đục, tô điểm cho hang Pác Bó thêm phần thơ mộng, kỳ bí. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, địa danh này là điểm tham quan rất đẹp của Cao Bằng.

Du khách miền Nam về nguồn, thăm và chụp hình lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Pác Bó.
Du khách miền Nam về nguồn, thăm và chụp hình lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Pác Bó.

Sau 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), Bác Hồ qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung về Việt Nam. Nơi đây thuộc dãy núi cao được Bác đặt tên là núi Các Mác.

Vượt hàng ngàn km từ miền Nam xa xôi, chúng tôi được đặt chân đến mảnh đất địa đầu của Tổ quốc trong thời tiết se se lạnh, ai nấy cũng háo hức mong được tận mắt chứng kiến nơi ở, làm việc của Người trong những ngày đầu về nước sau 30 năm vòng quanh năm châu bốn bể tìm đường cứu dân, cứu nước. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Đền thờ Bác Hồ trên đồi cao gần cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh. Những nén hương thơm nghi ngút khói và ít lễ vật kính dâng trong niềm xúc động tưởng nhớ công ơn của Người.

Xe đưa đoàn chúng tôi đến với mảnh đất thiêng. Dưới chân núi có hồ nước lớn trong xanh, nơi bắt đầu dòng suối chảy uốn quanh đổ xuống đồng bằng của bản Khuổi Nậm, Bác đặt tên là suối Lê-nin. Cột mốc 108 nằm trên núi cao cách chân núi chừng nghìn mét thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngay trong tiết Xuân ấm áp của ngày đầu trở về Tổ quốc, Bác đã có cảm hứng với cảnh vật nơi này làm bài thơ tựa đề “Pác Bó hùng vĩ”:

“…Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê-nin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà…”

Tiết trời thu với cơn mưa nhẹ, men theo đường bên suối Lê-nin, chúng tôi đến được hang Pác Bó, nơi Bác chọn làm chỗ ở ngay sau khi trở về nước (sau khi về nước 12 ngày (ngày 8/2/1941), Bác đã chọn hang Pác Bó (Cốc Bó) nằm ở lưng chừng sườn núi Các Mác là nơi ở và làm việc). Cách miệng hang khoảng tầm chục mét là nơi ở và làm việc của Người. Diện tích tầm khoảng 20m2 nằm lưng chừng núi. Vẫn còn đó những kỷ vật đã cách đây hơn 78 năm, chiếc giường đơn sơ (bằng những tấm ván khoảng 6m2) Người làm việc và nghỉ ngơi, cái bếp lửa gồm 3 cục đá và cái ấm nấu nước… Người dùng để sưởi ấm khi đông về:

“…Hang lạnh nhớ tay người đốt củi

Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu

Ai hay ngọn lửa trong hang núi

Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau…”

Chúng tôi không khỏi xúc động nghĩ về thời gian ấy, trong điều kiện rừng núi, thiếu thốn về mọi mặt như vậy mà Người đã cùng với Đảng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Rời nơi ở và làm việc của Người, chúng tôi lại được tận mắt chứng kiến những nơi Người câu cá, làm thơ sau giờ làm việc, nơi Người thường nấu nước lá ổi để uống… Đặc biệt là chiếc bàn đá, nơi Người thường làm việc bên cạnh đầu nguồn dòng suối Lê-nin:

“…Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang…”

Sự kiện Bác Hồ trở về nước vào đầu năm 1941 là sự kiện lớn của lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và dân tộc Việt Nam, đã làm thay đổi tình hình cách mạng trong nước. Đây là mốc lịch sử quan trọng dẫn tới cuộc cách mạng tháng Tám 1945 và ngày 2/9/1945, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động:

“Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”

Bác về nước đúng vào mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lộc biếc chồi xanh, vạn vật như khoác lên mình sắc áo mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở phía trước. Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cả thiên nhiên đất trời như reo vui:

“Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về… im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”

(Theo chân Bác của Tố Hữu)

Hơn 108 năm từ ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, 78 năm Người về nước lãnh đạo cách mạng, 50 năm thực hiện Di chúc của Người, mỗi chúng ta đều không khỏi bồi hồi xúc động và thành kính tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu đã hy sinh trọn đời mình cho dân tộc, đã dành cả cuộc đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân mà không gợn chút riêng tư để đất nước hôm nay trọn niềm vui độc lập tự do và đổi mới phát triển. Càng nhớ Bác Hồ, mỗi người chúng ta hôm nay càng phải tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới, xứng đáng với lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

TRUNG HIẾU

;
.