Kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIV: Chất vấn các vấn đề nổi cộm

Thứ Năm, 07/11/2019, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 7/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn tại hội trường. Các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu

GIÁM SÁT CHẶT CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI KHU KHO NGOẠI QUAN

Giám sát chặt chẽ những hoạt động tại khu kho ngoại quan - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn sáng 7/11 liên quan đến lô nhôm 4,3 tỷ USD giả hàng Việt để xuất đi Hoa Kỳ của DN do người Trung Quốc đầu tư tại BR-VT.

Trước câu hỏi của đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu lên vấn đề về lô nhôm trong kho ngoại quan của tỉnh BR-VT, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: Qua thông tin phản ánh quốc tế, chúng tôi đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016. Ngay đầu năm 2017, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Bộ Công an tổ chức đoàn kiểm tra. Đây là DN do người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu và nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu. Qua kiểm tra tại thời điểm đó thấy rằng, các hoạt động xuất khẩu nhôm này chưa có gì đột biến.

Sau khi DN có những biến động bất thường, Bộ Công thương cũng đã trao đổi với Bộ Tài chính và đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo, tăng cường giám sát các biến động bất thường liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN này, cũng như lô nhôm này. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi cấp giấy chứng nhận hàng hóa phải kiểm soát thật chặt chẽ những tiêu chuẩn, tiêu chí trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ.

“Kho ngoại quan là khu vực kho bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan để xuất khẩu ra nước ngoài. Hàng hóa đưa vào Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng như nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định là hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng. Nếu quá thời gian này, có lý do chính đáng mới được Cục trưởng Cục Hải quan quản lý kho ngoại quan gia hạn không quá 12 tháng. Vì vậy, cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện những biện pháp giám sát chặt chẽ, nghiêm túc với những hoạt động tại khu kho ngoại quan”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.

ÁP LỰC CẠNH TRANH ĐỐI VỚI NGÀNH ĐƯỜNG

Đặt vấn đề hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ được xóa bỏ kể từ ngày 1/1/2020, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) lo ngại về nguy cơ đường của các nước ASEAN sẽ tràn ngập, chiếm lĩnh thị trường đường Việt Nam, cộng với các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu xuyên biên giới, nhập khẩu đường thô, đường lỏng thiếu kiểm soát… trong khi các hạn chế yếu kém của ngành mía đường trong nước chưa được tháo gỡ một cách thấu đáo. 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, liên tục trong 2 năm 2018 – 2019, các nước đều phản ứng chính thức về việc Việt Nam lùi thời hạn mở cửa thị trường đường này theo ý kiến của Hiệp hội mía đường của Bộ NN-PTNT. Các nước phản ứng rất mạnh mẽ và thậm chí có nguy cơ họ sẽ tiếp tục phản ứng dưới hình thức trừng phạt hoặc là họ rút lại những cam kết của mở cửa thị trường các lĩnh vực khác của họ đối với chúng ta. Thế nhưng đến nay, các nước ASEAN cơ bản đã đồng thuận chấp nhận cho Việt Nam mở cửa vào ngày 1/1/2020.

Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong ASEAN mở cửa thị trường cho các nước tham gia trong nội khối. Vậy nếu Việt Nam tiếp tục lùi thời hạn này nữa và không thực hiện mở cửa thì sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến tiến trình hội nhập và nhất là việc thực thi các hiệp định khác. Trong bối cảnh đó, năng lực cạnh tranh của ngành đường thực tế hiện nay đang rất hạn chế do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nếu không vượt qua, không khắc phục được những nguyên nhân đó, năng lực cạnh tranh kém của ngành đường sẽ tiếp tục kéo dài và gây ra những hậu quả cho không chỉ ngành mía đường mà cả người nông dân trồng mía và chuỗi sản phẩm.

TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT CHO RAU, QUẢ, TRÁI CÂY

Trước lo lắng của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) về thực tế các sản phẩm nông sản xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới diễn ra lặp đi lặp lại từ năm này đến năm khác, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm chính vụ thu hoạch, Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay: Thời gian qua, rau quả trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh và trên thực tế đã phát triển mạnh không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn ở một số thị trường quan trọng khác như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, có vấn đề là rau, quả, trái cây phần lớn xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. “Như vậy còn vướng rất nhiều điều kiện để đảm bảo xuất khẩu chính ngạch, đảm bảo sự ổn định thị trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với Trung Quốc từ rất lâu, Việt Nam mới chỉ có 9 mặt hàng rau, quả, trái cây chính thức được cấp phép xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra, hàng loạt các rau, quả, trái cây tiềm năng khác vẫn đang chờ đợi và chưa hoàn tất được khâu mở cửa thị trường. Để hoàn tất các khâu mở cửa thị trường này đòi hỏi phải vượt qua những hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm cũng như các điều khoản khác, nếu không sẽ không có cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc và hàng loạt các thị trường khác trên thế giới.

GIẢM BỚT THỦ TỤC VỀ VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập. Bên cạnh đó, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian học rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất. Đồng thời, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Từ những nguyên nhân đã nêu, đại biểu băn khoăn liệu mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch có gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tính hình thức này, liệu có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?

Về việc thi xét tuyển, xem xét nâng ngạch công chức, viên chức hiện nay, qua dư luận báo chí, phản ánh của đồng bào cử tri cả nước, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận “thấy rất phiền hà” trong vấn đề văn bằng, chứng chỉ. Không phải riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, Bộ trưởng cho rằng quy trình bổ nhiệm hiện nay cũng yêu cầu 7 bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện, Bộ trưởng bày tỏ: “Tôi thấy nó nhiều quá”.

Giải thích cho bất cập này, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm, “Tôi nghĩ là hai mươi mấy năm rồi, phải sửa”. Ông Lê Vĩnh Tân thay mặt Bộ Nội vụ nhận khuyết điểm này: “Một quyết định để hai chục năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết trước Quốc hội năm 2020 sau Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào nữa”.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng các chứng chỉ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng có nhiều cách tháo gỡ như tổ chức thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính, sát hạch bằng tiếng Anh; đồng thời khẳng định sẽ đưa vào triển khai các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính hiện đang quá nhiều, “không bắt buộc phải cung cấp cái này, cung cấp cái kia”. Riêng vấn đề tin học, ngoại ngữ, Bộ trưởng làm rõ thêm trước các đại biểu: “Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng cấp bằng ngoại ngữ là như nhau, chỉ là từng vị trí phải có chứng chỉ, văn bằng, bằng cấp khác nhau”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới các quy định này sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng phù hợp hơn, đặc biệt nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

HẠNH QUỲNH

;
.