Nuôi bò gây ô nhiễm trong khu dân cư

Thứ Năm, 04/02/2021, 17:26 [GMT+7]
In bài này
.

Bức xúc vì gia đình ông Trần Thanh Bình (tổ 3, ấp Kim Giao, TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức) chăn nuôi bò trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, người dân trong tổ đã phản ánh đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chuồng bò của gia đình ông Trần Thanh Bình được thiết kế hở, không có hệ thống xử lý chất thải  nên gây mùi hôi, ảnh hưởng môi trường sống của người dân.
Chuồng bò của gia đình ông Trần Thanh Bình được thiết kế hở, không có hệ thống xử lý chất thải nên gây mùi hôi, ảnh hưởng môi trường sống của người dân.

Theo phản ánh của người dân tổ 3, thời gian qua, mùi hôi và nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi bò của gia đình ông Trần Thanh Bình đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của các hộ xung quanh. Nhiều gia đình bức xúc vì phải sống trong cảnh môi trường ô nhiễm. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã cùng cán bộ môi trường TT.Ngãi Giao đến khảo sát thực địa nhằm tìm hiểu rõ hơn phản ánh của người dân. 

Qua ghi nhận của phóng viên cho thấy, đúng như người dân phản ánh. Trại bò của ông Trần Thanh Bình là mô hình chuồng hở, được xây dựng tạm bợ, không có hệ thống xử lý nước thải. Chất thải được thu gom và tập trung lộ thiên trên nền đất nên phát sinh mùi hôi. Chuồng nuôi bò lại nằm ngay trong khu dân cư nên ảnh hưởng đến các hộ dân chung quanh. 

“Gia đình tôi thường xuyên hứng chịu mùi hôi, thối từ hoạt động chăn nuôi bò của ông Bình. Mùa mưa thì nước thải kèm phân bò chảy tràn lan, mùa khô thì bốc mùi nồng nặc. Nhà tôi phải đóng cửa, che chắn xung quanh nhưng không ngăn được mùi. Tôi đã đề nghị ông Bình phải có biện pháp che chắn để hạn chế mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh nhưng ông ấy không thực hiện”, một hộ dân sống gần khu vực trại bò của ông Bình kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Bình cho biết, gia đình ông chăn nuôi bò 3 năm nay và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Theo ông, nguyên nhân mùi hôi phát tán có thể là do số lượng đàn bò tăng lên 9 con trong hơn 1 tháng nay. Ông Bình cũng thừa nhận, do chưa có biện pháp xử lý chất thải gia súc theo đúng quy định, dẫn tới phát sinh các loại ruồi, muỗi, sâu bọ..., gây mất an toàn vệ sinh cho chính gia đình ông Bình và các hộ dân sinh sống xung quanh. 

Luật Chăn nuôi 2018 quy định hoạt động chăn nuôi hộ gia đình phải đáp ứng các yêu cầu như: chuồng nuôi tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch, thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác… theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

“Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi nhằm hạn chế tình trạng trên”, ông Bình nói và hứa từ nay đến tháng 4 sẽ thực hiện. 

Bà Lê Thị Thu Hằng, cán bộ nông nghiệp TT. Ngãi Giao cho biết, khi ông Bình xây dựng chuồng trại nuôi bò, chính quyền địa phương đã vận động xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải theo quy định. Đồng thời, cam kết hỗ trợ một phần kinh phí để ông Bình xây dựng hầm biogas theo chủ trương của Nhà nước nhưng ông Bình chưa thực hiện. “Nếu gia đình ông Bình đồng ý làm hầm biogas, địa phương sẽ hỗ trợ theo quy định”, bà Hằng cho biết thêm.

Bài, ảnh: THANH HẢI

;
.