Hộ kinh doanh cá thể phải ký hợp đồng lao động

Thứ Sáu, 11/09/2020, 16:18 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Nguyễn Thị Lài (ấp 4B, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) gửi đơn đến Báo BR-VT phản ánh về việc công ty cho bà nghỉ việc không lý do, vi phạm pháp luật về lao động. Phóng viên Báo BR-VT đã tìm hiểu nội dung sự việc.

Bà Nguyễn Thị Lài (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) làm việc với phóng viên Báo BR-VT về nội dung mà bà phản ánh.
Bà Nguyễn Thị Lài (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) làm việc với phóng viên Báo BR-VT về nội dung mà bà phản ánh.

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Lài, năm 2016 bà được nhận vào làm việc tại công ty chuyên trồng chuối của ông Đỗ Quốc Dũng (Bình Dương) nằm trên địa bàn xã Tân Lâm, tiền công 180 ngàn đồng/ngày. Nếu ngày nào thời tiết không thuận lợi thì được trả theo giờ, mức 22.500 đồng/1 giờ. Theo quy định của công ty, công nhân phải làm đủ 12 ngày công thì mới được nhận lương. Việc phát lương chia làm 2 lần/1 tháng. 

Khi vào làm việc tại công ty, bà Lài được phân công ở tổ E. Sau thời gian làm việc tại tổ này, giữa bà và tổ trưởng xảy ra mâu thuẫn, do đó, ngày 5/4/2020, bà xin chuyển sang tổ khác. Sau đó, bà Lài bị công ty cho thôi việc. Bức xúc vì bị cho nghỉ việc không rõ lý do, bà đã khiếu nại lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để được can thiệp, bảo vệ quyền lợi. “Từ khi tôi vào làm việc tại công ty trồng chuối, tôi không được ký hợp đồng lao động. Sau khi tôi khiếu nại, công ty đã hỗ trợ tiền lương cho tôi. Tuy nhiên, tôi thấy chưa thỏa đáng. Ngoài ra, sự sa thải vô cớ của công ty khiến tôi không có việc làm và mất thu nhập. Vì vậy, tôi mong muốn công ty nhận tôi lại làm việc”, bà Nguyễn Thị Lài bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Đoàn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm cho biết, sau khi nhận được đơn của bà Lài, UBND xã đã mời các bên liên quan lên để hòa giải. UBND xã giải thích cho bà Lài và phía chủ thuê lao động hiểu những quy định hiện hành về pháp luật lao động. Cụ thể là cơ sở thuê bà Lài làm việc chỉ là chủ một vườn chuối có quy mô 200ha, do một cá nhân ở tỉnh Bình Dương thuê đất của Công ty cao su Hòa Lâm để trồng chuối, không phải là một DN có pháp danh đầy đủ. Ngoài ra, việc thuê nhân công của chủ vườn chuối này làm theo thời vụ. Vào thời gian cao điểm thu hoạch, nhân công của vườn chuối có thể lên đến 300 người. Việc thuê mướn lao động theo thỏa thuận của hai bên và không có hợp đồng lao động. “Theo đơn khiếu nại bà Lài yêu cầu chủ sử dụng lao động bồi thường 2 tháng lương do bà bị nghỉ việc, sau khi làm việc với UBND xã, chủ vườn chuối đã đồng ý bồi thường cho bà. Còn nguyện vọng ở lại làm việc tại vườn chuối, chủ vườn chuối chưa trả lời. Nếu bà Lài và chủ sử dụng lao động không đi đến thỏa thuận chung được thì bà Lài có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết”, ông Đoàn Văn Thắng cho biết.

Theo Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh), Điều 18 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người. Với chủ vườn chuối nêu trên, tuy không phải là DN hoạt động có pháp nhân đầy đủ nhưng là hộ kinh doanh cá thể thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư, nghiệp vẫn phải ký hợp đồng lao động với người lao động nếu người đó làm việc đủ 3 tháng trở lên”.

Cũng theo Luật sư Thịnh Đình Quang, đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết. Trong trường hợp bà Lài, nếu đã làm việc lâu dài tại hộ kinh doanh vườn chuối nêu trên (quá 3 tháng), nhưng vẫn không được ký hợp đồng lao động là chủ sử dụng lao động đã vi phạm pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội. Bà Lài có thể yêu cầu với lãnh đạo công ty thực hiện các thủ tục ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho mình. Trong trường hợp chủ sử dụng lao động từ chối, bà Lài có quyền làm đơn khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để nhờ can thiệp hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết. “Trên thực tế hiện nay cho thấy, vấn đề giao kết hợp đồng lao động chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Điều này dẫn đến hậu quả là các bên không thể bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi phát sinh tranh chấp”, ông Thịnh Đình Quang thông tin thêm.

Bài, ảnh: THANH HẢI

;
.