Từ vay tiền chăn nuôi trở thành những ông chủ vườn, trại...
Rời quân ngũ trở về địa phương, người lính mang trong mình nhiều thương tật, sức khỏe giảm sút, lao động khó khăn và thương xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau lúc trái gió trở trời. Thế nhưng, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều CCB không ngại khó, không ngại khổ, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Đàn heo rừng chuẩn bị xuất chuồng của gia đình cựu chiến binh Trần Đức Thảo (tổ 10, thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành). |
Đến thôn Bình Sơn (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), hỏi thăm nhà thương binh Đỗ Văn Tám (SN 1950), chúng tôi được hướng dẫn nhiệt tình. Người dân nơi đây ai nấy đều nể phục sự nhiệt tình, năng nổ trong công tác đoàn hội và tính cần cù, chịu khó lao động của ông. Ông Tám kể, năm 1978, ông nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhận nhiệm vụ bộ đội tình nguyện ở chiến trường Campuchia. Trong một lần làm nhiệm vụ, ông không may trúng đạn bị thương ở đầu và tay. Vết thương ở đầu ảnh hưởng đến não bộ, khiến thị lực giảm sút. Một phần gân bàn tay cũng để lại ở chiến trường, vì vậy việc bưng bê các vật nặng rất khó khăn. Đến năm 1983, ông Tám xuất ngũ về quê hương, là thương binh 4/4 với tỷ lệ thương tật 31%.
Năm 2004, gói gém tất cả số tiền dành dụm được, ông cùng vợ và 3 người con rời quê hương Thanh Hóa, chọn BR-VT là quê hương thứ 2 của mình. Ông mua mảnh đất ruộng rộng hơn 5.000m2 ở thôn Bình Sơn (xã Đá Bạc), làm nơi sinh sống cho cả gia đình và bắt đầu những chuỗi ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đến năm 2007, ông Tám được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ và xây tặng căn nhà tình thương. Có nơi an cư, ông Tám mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, mua 1 con bò cái về nuôi, trồng tiêu trên đất và tích cực lao động sản xuất. Chưa dừng lại ở đó, ông nhận làm thời vụ để có thêm thu nhập phụ vợ lo cho con. Sau 3 năm, ông xây dựng chuồng trại, mua thêm 2 con dê sinh sản về nuôi, thả thêm vài con gà, vịt trong vườn; thuê người đào thêm ao sau vườn nhà để thả cá rô phi, cá chép…áp dụng mô hình vườn-ao-chuồng.
Suốt nhiều năm miệt mài lao động sản xuất, thành quả đã đến với người thương binh đầy ý chí và nghị lực này. Sau nhiều lần bán bò lấy vốn phát triển kinh tế, đàn bò của gia đình ông Tám còn 4 con, 20 con dê thịt và đàn gà, vịt xiêm hơn 100 con. Vườn mít thái cho thu nhập ổn định, vào mùa thu hoạch, thương lái đến nhà mua với giá dao động từ 10-30 ngàn đồng/ký. Mỗi năm, thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi sau khi trừ chi phí ông thu về hơn 150 triệu đồng.
“Tôi luôn tâm niệm “Thương binh tàn nhưng không phế” để mỗi ngày đều phải nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, xứng danh “Bộ đội cụ Hồ” ở thời chiến cũng như thời bình”, ông Tám tự hào nói.
Tương tự, CCB Trần Đức Thảo (tổ 10, thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cũng là một tấm gương tiêu biểu vượt khó làm kinh tế. Tham gia bảo vệ biên giới phía bắc những năm 1987-1990. Năm 2013, cả gia đình ông Nam tiến và chọn xã Nghĩa Thành là nơi dừng chân, là quê hương thứ hai. Vừa chăm lo phát triển kinh tế, vừa tham gia sinh hoạt tại chi hội CCB của thôn, ông Thảo nhận được sự hỗ trợ, động viên nhiệt tình của các hội viên, đặc biệt trong phát triển kinh tế gia đình, ông tích cực tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và thành công từ mô hình chăn nuôi heo, gà và nuôi cá.
Những ngày đầu bắt tay vào chăn nuôi, ông gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc và đầu ra tiêu thụ. Thế nhưng, ông vẫn mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, tham quan những mô hình chăn nuôi hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. Kết quả mang lại hiệu quả rõ nét. Đàn heo sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm xuất bán 2 lứa trừ chi phí ông Thảo thu về hơn 150 triệu đồng. Ao cá rô đồng, cá trê mỗi năm thu hoạch gần 1 tấn cá, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Nhận thấy heo rừng đang là nguồn thực phẩm được thị trường ưa chuộng, ông Thảo mua thêm giống heo rừng về nuôi và khoảng 70 con chim bồ câu pháp.
Sau nhiều lần bán đi trang trải cuộc sống, đến nay đàn heo của gia đình ông còn khoảng 20 con. Kinh tế gia đình ổn định, đợt dịch COVID-19 vừa qua, ông tặng 900 quả trứng gà cho những gia đình khó khăn, 12 phần quà là gạo, nhu yếu phẩm cho bà con trong khu vực phong tỏa tại địa phương. Ngoài ra, ông còn năng nổ trong các phong trào, hoạt động của hội.
Ông Bùi Cửu Hải, Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Đức cho biết, đến nay, huyện Châu Đức có hơn 75% hộ CCB khá và giàu, không còn hộ hội viên CCB nghèo. Họ không chỉ biết sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn đóng góp hàng trăm triệu đồng hỗ trợ xây nhà đồng đội; tặng tiền, quà cho HS vượt khó, gia đình hội viên CCB trong dịp lễ, Tết; tham gia công tác giáo dục truyền thống cho HS trên địa bàn…“Với tinh thần vượt khó, cần cù lao động, vươn lên thoát nghèo, nhiều CCB xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để những người khác học tập và noi theo, tiếp tục phát huy truyền thống tự lực, tự cường, gương mẫu đi đầu trong lao động, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Bùi Cửu Hải nói.
Bài, ảnh: MAI NGỌC