Tin tưởng con, nhưng đừng để con cái lừa dối

Thứ Sáu, 16/05/2025, 14:51 [GMT+7]
In bài này
.

Thương con và tin tưởng con là điều cần thiết, nhưng cha mẹ không nên tin một cách mù quáng, mà cần phải có sự kiểm soát để tránh bị con cái lừa dối. Đó là hành xử phù hợp của những bậc cha mẹ thông minh.

Thương con, tin tưởng con là cần thiết, nhưng cha mẹ không nên tin một cách mù quáng mà phải có kiểm soát để tránh việc bị con cái lừa dối. (Ảnh minh họa)
Thương con, tin tưởng con là cần thiết, nhưng cha mẹ không nên tin một cách mù quáng mà phải có kiểm soát để tránh việc bị con cái lừa dối. (Ảnh minh họa)

Khi con trẻ nói dối thành tật

Gia đình anh Thế (phường 10, TP.Vũng Tàu) có cậu con trai học lớp 10 tại Trường THPT Nguyễn Huệ. Hằng ngày, cháu vẫn được cha mẹ cho tiền ăn sáng trước khi đi học và trở về nhà đúng giờ như các bạn khác. Vợ chồng anh Thế không ngờ rằng, cháu nói là đi học nhưng thực tế lại trốn học, dùng tiền cha mẹ cho ăn sáng để chơi game. Mãi đến khi anh chị nhận được giấy mời từ ban giám hiệu, họ mới biết con mình đã trốn học cả tuần.

Tương tự, gia đình anh Tuân ở TP.Bà Rịa có cậu con út học năm cuối đại học. Anh rất quan tâm đến việc học hành của con nên luôn sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi con xin tiền đóng học phí. Tuy nhiên, khi kỳ thi tốt nghiệp đến gần, anh nhận thấy con cứ nằm dài ở nhà, liền tra hỏi. Lúc này, anh mới biết con mình đã bị đuổi học từ nửa năm trước.

Khi đến phòng đào tạo trường hỏi thăm, anh Tuân mới biết con mình nợ đến 17 môn trong số hơn 20 môn học và đã không đóng học phí suốt nửa năm qua, mặc dù vẫn đem “biên lai” nộp học phí về cho cha mẹ xem. Những tờ “biên lai” này là giả, và vợ chồng anh Tuân hoàn toàn không hay biết.

Đó là một trong nhiều chiêu trò mà con cái có thể dùng để lừa dối cha mẹ. Khi trẻ còn nhỏ, thậm chí khi còn học tiểu học, chúng đã biết lừa dối. Càng lên các lớp trên, các mánh khóe lừa dối càng tinh vi hơn, thậm chí có thể lừa lấy hàng chục triệu đồng để phục vụ nhu cầu chơi bời. Những bậc phụ huynh bận rộn kiếm tiền, ít dành thời gian quan tâm sát sao đến con cái sẽ dễ dàng bị mắc bẫy.

“Bé ăn trộm quả trứng, lớn ăn trộm con bò”

Kinh nghiệm cho thấy, ngay từ khi trẻ mới học tiểu học, nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi, cha mẹ cần phải tìm hiểu kỹ càng để xác định liệu con có nói dối hay không, và có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời.

Tục ngữ có câu “Bé ăn trộm quả trứng, lớn ăn trộm con bò”. Nếu để tình trạng nói dối diễn ra lâu dài, trẻ sẽ coi đó là điều bình thường, và việc uốn nắn sẽ trở nên rất khó khăn.

Ngay từ khi con học tiểu học, cha mẹ cần phải xem thời khóa biểu để biết con học môn gì hôm nay, bài làm của con được điểm cao hay thấp. Không ít bậc phụ huynh dù công việc bận rộn vẫn có thể nắm rõ hôm nay con học bài gì, môn toán được bao nhiêu điểm, bài tập nào chưa làm… Khi cha mẹ sát sao như thế, con cái khó mà dối trá được.

Kiểm tra và theo dõi thường xuyên

Một số bậc phụ huynh thường xuyên kiểm tra cặp sách, xem con có mang về bài vở hay giấy mời phụ huynh mà con giấu đi. Họ có thể phát hiện ra những dấu vết bất thường như yêu đương buông thả hoặc dấu hiệu dính vào ma túy, cờ bạc. Thậm chí, có bậc phụ huynh còn bí mật đi theo con hoặc liên hệ với giáo viên để theo dõi hành trình của con.

Đặc biệt, khi con đi học ở tỉnh xa, cha mẹ cần chú ý hơn nữa. Một khi con đã thoát ly khỏi sự quản lý của gia đình và sống trong môi trường phức tạp, rất dễ nhiễm thói hư tật xấu. Có những gia đình đã dành cả khoản tiền lớn, chắt chiu suốt nhiều năm để cho con vào đại học, nhưng khi biết con bỏ học hoặc không học hành nghiêm túc, họ mới ngỡ ngàng nhận ra rằng con đã không còn đi học từ lâu, trong khi họ vẫn đều đặn gửi tiền.

NGUYÊN THẢO 

 
;
.