Ra biển câu cá

Thứ Sáu, 16/05/2025, 14:51 [GMT+7]
In bài này
.

Câu cá biển đã trở thành thú tiêu khiển của nhiều người dân Vũng Tàu. Trong đó, mũi Nghinh Phong, cảng Cầu Đá, Bãi Trước, Bãi Dâu, Hòn Bà... là những điểm câu lý tưởng của nhiều người.

Anh Nguyễn Văn Trị và bạn câu cá ở khu vực Bãi Trước (TP.Vũng Tàu).
Anh Nguyễn Văn Trị và bạn câu cá ở khu vực Bãi Trước (TP.Vũng Tàu).

5h chiều, sau khi kết thúc công việc, anh Nguyễn Văn Trị (nhà ở hẻm 105 Lê Lợi, TP.Vũng Tàu) lại cùng bạn tranh thủ vác cần ra khu vực Bãi Trước thả câu. Mở hộp đồ nghề với đủ các loại từ cần máy, lưỡi câu, mồi câu…, anh Trị nhanh chóng ráp cần, gắn trùn làm mồi rồi quăng cần câu về phía biển. Đam mê câu cá khoảng 10 năm nay, mỗi tuần ít nhất 3 buổi anh Trị mang cần ra biển.

“Bữa nhiều được chục ký cá, bữa ít được vài ba ký, cũng có hôm không được con nào nhưng vẫn vui. Những đêm trăng thanh gió mát, ngồi ngoài biển ngóng cần câu giật rung lên khi có cá, nó khoái gì đâu”, anh Trị chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của anh Trị, câu cá ở biển phải biết xem con nước. Thường những đêm từ ngày 13 đến 18 âm lịch hàng tháng là lúc nước lớn, cá sẽ nhiều, câu sẽ “sát cá” hơn. Tùy theo mùa câu và kích cỡ các loại cá mà sử dụng lưỡi câu, dây câu phù hợp. Mùa câu cá nhỏ chỉ cần dùng lưỡi nhỏ, mùa biển động, sóng vỗ mạnh thì dùng loại lưỡi câu lớn hơn.

9h tối, dọc đường Hạ Long, đoạn gần nhà hàng Gành Hào 2, ông Nguyễn Thu gắn chiếc đèn pin lên đầu rồi bắt đầu quăng 3 cần câu về phía biển. Những chiếc cần có dây dài 50-70m, sau khi đã sải xuống biển, ông Thu kéo dây căng đét rồi nhẹ nhàng gắn cần vào bờ kè. Thả xong 3 cần máy, ông mở chiếc ghế xếp và ngồi thong thả ngắm biển, chờ cá cắn câu.

“Câu cá cần sự kiên nhẫn. Lúc đầu mới đi câu, ngồi cả ngày ở bờ biển chỉ được vài ba con. Bây giờ, có ngày tôi câu được cả chục ký, thoải mái ăn. Tôi rõ từng con nước, từng mùa vụ. Mùa biển êm câu được cá ngát, cá hanh, cá ong; mùa biển động thì câu cá đối…”, ông Thu cho hay.

Để đáp ứng thú vui câu cá của người dân, tại Vũng Tàu hiện có nhiều cửa hàng bán cần câu máy xuất xứ từ các nước: Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Pháp… Có loại giá chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng người mê câu thường chọn bộ cần với mức giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng.

Khắp các khu vực ven biển ở Vũng Tàu không khó để bắt gặp những thanh niên đôi mươi tìm niềm vui từ việc câu cá. Có người đầu tư cả chục triệu đồng cho bộ ngư cụ câu cá, dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để đi dọc theo bờ biển chọn vị trí buông câu. Anh Phong, một tay câu có kinh nghiệm lâu năm cho biết, đi câu ban ngày chủ yếu là những người rảnh rỗi việc nhà, buổi tối có thêm những người làm công sở ra câu. “Điều mà các tay câu nghiệp dư thích nhất là sau khi buông cần, họ được trải lòng mình với biển, bao nhiêu ưu tư, phiền muộn như được trút hết vào lòng đại dương…”, anh Phong nói.

Anh Nhân (công tác tại một ngân hàng trên địa bàn TP.Vũng Tàu) cho biết, anh mê câu cá từ nhỏ nên khi đi làm, nhận được tháng lương đầu tiên là sắm ngay một bộ cần câu. “Những người đàn ông vốn không quen việc chợ búa nhưng khi đã mê câu, chúng tôi cũng mê luôn cả việc ra chợ mỗi ngày để mua trùn, ruột gà hay tôm về làm mồi. Nước đục thì câu trùn, nước trong thì câu tôm để nhử cá. Riêng những người thích đi câu cá đêm như chúng tôi còn phải sắm thêm bộ đèn pin để dò đường”, anh Nhân kể.

Những hôm đẹp trời, nhóm bạn câu của anh Nhân còn thuê ghe ra Hòn Bà hoặc phao luồng ngoài xa để câu. Hôm thì câu được cá trích, cá dảo, cá thu ảo, cá ngân… Có hôm lại câu được cá đuối, mực. Cá ở biển di chuyển liên tục, để câu được các loại cá lớn như cá chẽm, cá nhồng, người câu phải thính tai để nghe tiếng đớp và xác định được hướng di chuyển của chúng rồi mới quăng mồi, vừa đỡ tốn sức, đỡ hao mồi và xác suất thành công mới cao. “Hai loại cá này thường sống ở nơi có đá ngầm, sóng lớn xô đập vào bờ liên tục, lắng nghe tiếng cá đớp cũng là cách luyện cho thính giác thêm nhanh nhạy”, anh Nhân bật mí.

 Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.