Kỷ nguyên số đã kéo theo sự thay đổi về mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm. Vậy làm thế nào để định hướng nghề nghiệp một cách hiệu quả cho HS trong kỷ nguyên số?
HS Trường THCS Trần Phú (TP.Vũng Tàu) tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp. |
HS còn thiếu kỹ năng công nghệ số
Theo ThS. Nguyễn Công Kỳ, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT), kỷ nguyên số đã và đang làm thay đổi sâu sắc cách chúng ta làm việc bằng áp dụng công nghệ số và tự động hóa vào hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, sản xuất, kinh doanh, văn hóa, quản trị… Các công việc truyền thống dần biến mất hoặc bị tác động ảnh hưởng. Cùng với đó là sự xuất hiện của những ngành nghề mới đang mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.
Thị trường lao động hiện đại đã liên tục xuất hiện nhiều ngành nghề mới và sáng tạo cùng sự phát triển của công nghệ. Các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), bảo mật thông tin, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, digital marketing, thiết kế vi mạch, phát triển phần mềm và các nghề liên quan đến công nghệ đang trở thành xu hướng. Tuy nhiên, do thiếu thông tin đầy đủ và chi tiết về những nghề này, HS dễ dàng bỏ qua hoặc không nhận ra cơ hội nghề nghiệp đa dạng và tiềm năng.
Bên cạnh đó, định kiến của gia đình và xã hội về nghề nghiệp vẫn còn rất phổ biến, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự lựa chọn nghề nghiệp của HS. Áp lực từ gia đình và xã hội thường đẩy HS vào những ngành nghề được coi là "an toàn" và ổn định. Điều này gây khó khăn cho các em trong việc khám phá các nghề nghiệp sáng tạo, linh hoạt và có tiềm năng phát triển trong tương lai. Hơn nữa, các ngành nghề này cũng ít được thảo luận và giới thiệu trong chương trình học, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về những cơ hội nghề nghiệp mới.
Một thách thức không nhỏ nữa là các em HS chưa sẵn sàng về kỹ năng số. Chương trình giảng dạy hiện tại trong các trường trung học chưa tập trung nhiều vào việc phát triển các kỹ năng này, các điều kiện về cơ sở vật chất chưa đủ để đáp ứng các nội dung về công nghệ số. Điều này khiến HS gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong các ngành công nghệ cao và phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi gia nhập thị trường lao động.
Tạo cơ hội cho HS hình thành kỹ năng nghề nghiệp
ThS. Nguyễn Công Kỳ cho rằng, công tác định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số sẽ giúp các em HS nhận thức và phát huy tiềm năng cá nhân. Từ đó, các em tự đánh giá bản thân, hình thành ước mơ, khát vọng, khám phá sở trường, đam mê từ đó xác lập mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp.
Cùng với đó, công tác hướng nghiệp giúp HS thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới nghề nghiệp. Hiểu thế giới nghề nghiệp, trang bị cho các em tư duy linh hoạt giúp HS sẵn sàng đối mặt với những thay đổi bất ngờ, thích nghi với những yêu cầu mới trong công việc và biết cách tự làm mới bản thân để phù hợp với thời đại. Ngoài ra, định hướng nghề nghiệp giúp HS nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo) và phát triển các kỹ năng số.
Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Với những thách thức và cơ hội mà thời đại công nghệ mang lại, các trường cần áp dụng các giải pháp toàn diện và sáng tạo để hỗ trợ HS nhận thức rõ hơn về bản thân, thế giới nghề nghiệp và nhu cầu thị trường lao động.
Các nhà trường cần định kỳ tổ chức hội thảo hướng nghiệp, mời các chuyên gia, cựu HS thành đạt hoặc các doanh nhân từ nhiều lĩnh vực. Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng cần thiết và lộ trình phát triển nghề nghiệp, giúp HS hình dung rõ hơn về công việc và cơ hội phát triển. Nên tập trung giới thiệu các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, blockchain...
Các chương trình cần tạo cơ hội cho HS tương tác, đặt câu hỏi trực tiếp với chuyên gia để làm rõ các thắc mắc và nhận lời khuyên cá nhân. Hình thức hội thảo cũng cần đa dạng, tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến trên các nền tảng số, kết hợp các phương pháp tương tác hiện đại như thảo luận nhóm, trắc nghiệm nghề nghiệp tại chỗ, thực hành giải quyết tình huống thực tế.
Không chỉ vậy, các nhà trường nên hợp tác với đơn vị đào tạo, doanh nghiệp trong công tác hướng nghiệp để HS được khám phá môi trường đào tạo, làm việc thực tế, kết nối HS với môi trường lao động thông qua các chương trình như “Ngày hội doanh nghiệp” hoặc “Ngày hội việc làm”.
Bên cạnh đó, nhà trường hướng dẫn cho HS sử dụng các nền tảng hướng nghiệp trực tuyến, thực tế ảo và thực tế tăng cường trong hướng nghiệp. Đặc biệt, nhà trường cần tổ chức các khóa học trực tuyến về kỹ năng nghề nghiệp. Những giải pháp này không chỉ giúp HS định hướng nghề nghiệp mà còn góp phần xây dựng lực lượng lao động có khả năng thích nghi và phát triển trong kỷ nguyên số.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI