.

Nhọc nhằn đục hàu trên ghềnh đá Vũng Tàu

Cập nhật: 17:00, 01/11/2024 (GMT+7)

Để khai thác được những con hàu sống bám trên các ghềnh đá ở biển Vũng Tàu, người đục hàu phải kiên trì, tỉ mẫn làm việc hàng giờ đồng hồ dưới trời nắng gắt. Dù vậy, đây là nguồn lợi tự nhiên cho thu nhập thêm khá tốt với nhiều người dân.

Người dân đục hàu trên bãi đá phía Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, TP. Vũng Tàu).
Người dân đục hàu trên bãi đá phía Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, TP. Vũng Tàu).

56 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Việt (phường 5, TP. Vũng Tàu) có hơn 20 năm làm nghề đục hàu ở khu vực Hòn Bà (TP. Vũng Tàu). Bà Việt dùng cái búa nhọn đập vào từng lớp vỏ cứng của hàu bám dày trên mặt đá. Chỉ sau ba tiếng “cóc... cóc… cóc”, những con hàu trắng đục màu sữa đã lộ ra sau lớp vỏ xù xì.

Sau khi lớp vỏ hàu đã tách ra, bà Việt cầm dao nhỏ cẩn thận móc phần thân mềm của hàu to bằng ngón tay trỏ bỏ vào chiếc rổ nhựa. Cứ thế, bà Việt làm thoăn thoắt suốt hàng tiếng đồng hồ dưới trời nắng gắt.

Bà Việt kể, hơn 10 năm nay, hàu đá được các nhà hàng, quán ăn và khách du lịch ưa chuộng nên công việc đục hàu có thu nhập khá tốt.

Những rổ hàu vừa được người dân thu hoạch.
Những rổ hàu vừa được người dân thu hoạch.

Cụ Hai Lãm cũng là người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề tâm sự: “Người làm lâu năm như tôi, bình quân 1 ngày đập được khoảng 2kg hàu. Người mới vào nghề thì ít hơn, khoảng 1-1,2kg. Mỗi kg hàu có giá bán khoảng 120-130 ngàn đồng/kg. Nói chung đủ sống”.

Bà Nguyễn Thị Hạnh từ Long Hải hàng ngày cũng lặn lội sang vùng biển Hòn Bà- mũi Nghinh Phong để tìm hàu. Bà Hạnh cho hay, để làm nghề này, người dân phải sắm các dụng cụ như búa, dùi sắt, dao, rổ, thùng đựng ruột hàu… Bà đi dọc ven theo các mỏm đá chờ khi nước rút thì tìm các tảng đá có hàu bám.  

Theo bà Hạnh, để đục được nhiều hàu, ngoài việc kiên trì thì phải có kinh nghiệm và đôi mắt tinh anh. Người lành nghề chỉ nhìn vào vỏ hàu là biết ngay con hàu đó sống hay chết, con nào béo hay gầy. Hàu sau khi được khai thác từ các bãi đá sẽ được bán cho các thương lái, hoặc đem ra chợ để tiêu thụ. “Hàu ở biển Vũng Tàu luôn được người dân, các nhà hàng hải sản, khách sạn, quán ăn trên địa bàn ưa chuộng bởi vị ngọt đặc trưng. Món hải sản nhiều dinh dưỡng này có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như hàu nướng, cháo hàu, hàu chiên trứng…”, bà Hạnh nói.

Người dân đục tìm hàu sữa giữa trời nắng
Người dân đục tìm hàu sữa giữa trời nắng

Ở phía những bãi đá khu vực Bãi Dứa là nơi mà bà Ngô Thị Thanh (phường 5, TP. Vũng Tàu) thường khai thác hàu đá. Bà Thanh cho hay, nghề móc hàu đá nay đã hình thành cộng đồng chừng vài chục người sống rải rác ở TP. Vũng Tàu và các khu vực Long Hải, Phước Tỉnh. “Chúng tôi phải bám trên những mỏm đá, chỉ cần sơ sẩy trượt chân là bị hàu cứa tứa máu. Rồi lê lết mấy giờ liền ê ẩm lắm, có khi say nắng, trúng gió nằm bẹp mấy ngày liền”, bà Thanh chia sẻ.

Theo những người làm nghề, mùa đục hàu diễn ra quanh năm ở Vũng Tàu từ khu vực Bãi Dâu đến Bãi Sau nhưng hàu to và nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Đập hàu phải để ý, tránh đập những con hàu nhỏ, để nó còn lớn mà lại nuôi mình - đó là điều mà những người thợ đập hàu thường nhắc nhở nhau khi làm việc.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.