.

Sâu răng và những biến chứng đáng lo

Cập nhật: 16:51, 01/11/2024 (GMT+7)

Sâu răng là chữ mà nhiều người dùng để chỉ những bệnh về răng, phần lớn xảy ra ở răng hàm, răng cửa, có thể dẫn đến hậu quả là mất răng vĩnh viễn khiến sức nhai suy giảm, chưa kể nó còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mỗi khi nói, cười.

Men răng bắt đầu bị phá vỡ, biểu hiện bằng những vết màu nâu đen trên rãnh răng.
Men răng bắt đầu bị phá vỡ, biểu hiện bằng những vết màu nâu đen trên rãnh răng.

Bình thường, người trưởng thành có 8 răng cửa, 4 răng nanh, 8 răng hàm nhỏ, 12 răng hàm lớn, tất cả đều có cấu tạo gồm thân răng, cổ răng và chân răng, trong đó men răng là lớp ở ngoài cùng, làm nhiệm vụ che phủ và bảo vệ toàn bộ thân răng. Men răng không có thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng nên nếu hư hỏng thì không thể phục hồi được.

Phía sau lớp men răng là ngà răng, chiếm phần lớn khối lượng của răng, gồm nhiều ống ngà nhỏ chứa tế bào ngà. Tiếp theo là tủy răng, nằm ở trong cùng, kéo dài từ thân răng đến cuối chân răng, chứa các dây thần kinh, mạch máu để nuôi dưỡng răng.

Các giai đoạn của sâu răng

Thoạt đầu, sau quá trình ăn uống, nhất là những loại thức ăn ngọt như đường, nước ngọt, các loại bánh làm bằng bột và các loại kẹo nhưng không đánh răng đúng cách. Khi ấy trên men răng sẽ hình thành mảng bám chứa chất axit do vi khuẩn tạo ra. Nó thể hiện bằng những đốm trắng nhỏ rồi biến thành cao răng. Khi cao răng đã hình thành, việc đánh răng không thể làm sạch được.

Ở giai đoạn 2, cao răng sẽ phá vỡ men răng khiến men răng chuyển sang màu nâu hoặc xám đen, mắt thường nhìn thấy rõ. Nó cũng ăn mòn men răng rồi tạo thành những lỗ nhỏ li ti, vi khuẩn sẽ theo những lỗ đó vào ngà răng, tủy răng.

Bước sang giai đoạn 3, do men răng bị mất, để lộ ngà răng. Và bởi vì ngà răng mềm hơn men răng nên dưới tác động của vi khuẩn, nó bị phân huỷ nhanh, người sâu răng sẽ có cảm giác đau, buốt mỗi khi uống nước lạnh hoặc nóng.

Ở giai đoạn 4, ngà răng phân hủy hoàn toàn để lộ ra tuỷ răng. Do có dây thần kinh và mạch máu nằm trong tủy nên vùng răng bị sâu sưng tấy, người bệnh đau, sốt, khó nhai hoặc không thể nhai được.

Giai đoạn 5 là giai đoạn cuối cùng, vi khuẩn gây viêm tủy và áp xe răng, áp xe lợi răng, có thể lan vào xương hàm khiến người bị sâu răng sốt cao kèm theo những cơn đau dữ dội. Nếu không kịp thời điều trị, răng sẽ phải nhổ bỏ, xương hàm cũng suy yếu, các răng còn lại có thể bị dịch chuyển.

Phòng ngừa sâu răng

Để nghiền thức ăn cho nát mỗi khi nhai, hình thể một số răng có những chỗ lồi lõm, nhất là răng hàm lớn, răng hàm nhỏ. Đó chính là nơi các mẩu thức ăn bám vào, nếu chỉ đánh răng qua loa thì không thể làm sạch được.

Vì thế cần phải đánh răng đúng cách. Với trẻ 6 tháng tuổi, đây là giai đoạn những chiếc răng sữa bắt đầu mọc nên các bậc phụ huynh có thể dùng miếng vải mềm, thấm nước rồi lau răng cho trẻ sau khi bú. Lúc trẻ đã được 18 tháng tuổi, phụ huynh dùng loại bán chải đánh răng cùng kem đánh răng có chất Fluor làm riêng cho trẻ, mỗi ngày 2 lần, sáng và tối.

Trẻ từ 3 tuổi trở lên, tập cho trẻ thói quen tự đánh răng. Hướng dẫn trẻ cách chải răng cửa, răng nanh, răng hàm, cả chiều ngang lẫn chiều dọc, mỗi ngày 2 lần, sáng và tối, mỗi lần từ 2 đến 3 phút. Sau đó súc miệng từ 2 đến 3 lần.

Với người lớn, cũng cần duy trì thói quen đánh răng ngày 2 lần, sáng và tối vì qua một đêm, quá trình tiết nước bọt ở khoang miệng sẽ bị chậm lại khiến vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để phát triển thành mảng bám. Việc đánh răng buổi sáng sẽ loại bỏ những mảng bám này cùng những vi khuẩn gây hại trên răng. Còn với buổi tối, nên đánh răng khoảng 30 phút sau khi ăn để nước bọt tiết ra có thời gian trung hoà axit trong khoang miệng. Khi đã đánh răng xong, không nên ăn hoặc uống những loại có đường còn nếu đã ăn, uống thì cần đánh răng lại.

Điều trị sâu răng

Ở giai đoạn đầu khi mảng bám mới xuất hiện, ngoài việc làm sạch, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng chất Fluor. Ở các giai đoạn tiếp theo, tuỳ vào nặng nhẹ, bệnh nhân sẽ đựợc điều trị nhiễm trùng tuỷ răng, trám răng, bọc răng sứ, nhổ răng hoặc phục hình răng.

Cần lưu ý rằng các loại nước súc miệng chỉ có tác dụng làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa sự hình thành mảng bám, khử mùi hôi trong miệng nhưng khi đã có mảng bám, men răng đã hư hại thì nước súc miệng không chữa được sâu răng.

Nếu có điều kiện, mỗi năm nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Răng Hàm Mặt 1 hoặc 2 lần để kiểm tra sức khoẻ răng miệng, làm sạch mảng bám nếu có. Nếu đã từng sâu răng và đã được trám răng, bác sĩ sẽ kiếm tra để loại bỏ mảng bám vì chỗ trám răng là môi trường rất dễ để mảng bám phát triển.

Nha sĩ MINH KHANH

.
.
.