.

Giữ "lửa" hôn nhân

Cập nhật: 16:54, 01/11/2024 (GMT+7)

Thiếu sự gắn kết, sẻ chia, tình cảm vợ chồng dần phai nhạt. Làm thế nào “hâm nóng” cuộc hôn nhân đã “lạnh” là vấn đề nhiều cặp đôi đang đối mặt.

Trong cuộc sống, ai cũng muốn được đối xử công bằng, không ai muốn mình trở thành đối tượng bị “phân biệt đối xử” cả, thế nên hãy học cách đối xử công bằng với mọi người xung quanh.
Trong cuộc sống, ai cũng muốn được đối xử công bằng, không ai muốn mình trở thành đối tượng bị “phân biệt đối xử” cả, thế nên hãy học cách đối xử công bằng với mọi người xung quanh.

Hôn nhân “lạnh”

Lập gia đình đã gần 20 năm, chị Nguyễn Phương My (46 tuổi, phường 5, TP. Vũng Tàu) được nhiều người ngưỡng mộ bởi sự thành đạt trong công việc, có con gái lớn ngoan ngoãn, học giỏi.

Thế nhưng khi con càng lớn, có của ăn của để, chị My lại có nỗi buồn riêng bởi ngày càng thấy chồng vô tâm với vợ con. Những ngày sinh nhật của vợ con, anh không còn nhớ nữa. Anh cũng không quan tâm đến vợ con như trước đây, ngay cả lúc vợ cảm sốt, con ốm, anh vẫn thờ ơ không hay biết. Những cuộc nhậu níu chân anh sau giờ làm việc hoặc có về nhà cũng chăm chú vào điện thoại, tivi, chứ không hỏi han, chăm sóc vợ con như xưa. Những bữa ăn chỉ có hai mẹ con nhiều dần theo thời gian khiến chị không còn thói quen nhấc máy điện thoại hỏi chồng hôm nay có ăn cơm nhà hay không để chuẩn bị…

Dần dần, chị quen với việc tự chăm sóc mình và con gái. Những bữa cơm gia đình thưa thớt hơn. Dẫu vậy, chị không hề ca thán, chấp nhận cuộc sống hôn nhân “nhạt” và lặng lẽ tìm niềm vui trong công việc, bạn bè và con gái. 

Gia đình chị Trần Khánh Mai (47 tuổi, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) cũng được xem là “chuẩn” gia đình kiểu mẫu khi có kinh tế khá giả, vợ chồng đều thành đạt, hai con đều học ở trường đại học có tiếng. 

Thế nhưng, dù chung nhà nhưng vợ chồng chị Mai không nói chuyện, không chia sẻ công việc riêng cho nhau, ai đi đâu hay làm gì cũng không cần thông báo cho người kia. Đến bữa cơm, nếu có mặt ở nhà thì ăn, còn không thì không phải chờ, quần áo của ai người đó giặt, việc của gia đình nào thì người đó tự lo. Sợi dây duy nhất kết nối hai người đó là tình hình học tập của các con. Song mỗi lần nói chuyện, anh chị khá kiệm lời hoặc chỉ nhắn tin qua điện thoại.

Tháo nút thắt hôn nhân

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty Tư vấn và trị liệu tâm lý Châu Á - ASIA MCC (TP.Vũng Tàu) cho rằng, hôn nhân phải được xây dựng trên nền tảng của sự yêu thương, chia sẻ, đồng cảm, gắn kết và tôn trọng nhau. Không có những điều trên thì không khí gia đình trở nên nặng nề, ngột ngạt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của các thành viên, đánh mất giá trị bản thân trong cuộc sống. 

Bà Lan Phương cũng phân tích, đời sống hôn nhân không còn mặn nồng có rất nhiều lý do nhưng quan trọng và phổ biến nhất đó là sự mất kết nối của các cặp vợ chồng, bất đồng quan điểm trong lối sống, khác nhau về văn hoá, chênh lệch trình độ, kinh tế khó khăn, yêu nhanh, cưới vội, bạo lực gia đình, thiếu kỹ năng ứng xử.

Từ việc không tìm được tiếng nói chung dần người ta sẽ không còn muốn giao tiếp với nhau vì ngại va chạm, xung đột gây đổ vỡ gia đình nên im lặng chịu đựng nhau. Từ đó dẫn tới cảm xúc ngày càng bị bào mòn hoặc theo thời gian trở nên “chai sạn”, tình cảm hôn nhân nhạt dần. Đó cũng chính là “liều thuốc độc” của hôn nhân.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương, để “hâm nóng” lại hôn nhân đã “lạnh”, vợ chồng nên tìm cách kết nối lại với người bạn đời của mình, tạo ra những khoảng thời gian riêng tư chỉ có hai người để trò chuyện, cùng nhau thư giãn, chia sẻ và lắng nghe. Cạnh đó là tìm ra nguyên nhân để giải quyết mâu thuẫn “ngầm” trong hôn nhân.

Quan trọng hơn là cần quan tâm đến đối phương, tìm hiểu xem vấn đề gì của mỗi người để cùng nhau chia sẻ, giải quyết. Hôn nhân bền vững và hạnh phúc đó là khi vợ chồng tìm được tiếng nói chung cả trong đời sống tinh thần và những hành động thiết thực dành cho người bạn đời của mình.

AN NHIÊN

.
.
.