Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ
Đề án“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (đề án 939) ra đời đã tạo điều kiện cho chị em mạnh dạn lập ý tưởng khởi sự kinh doanh, đầu tư chăn nuôi, sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình.
Chị Cao Thị Hồng Vân (ở giữa) thành công với mô hình nuôi trồng, chế biến, sản xuất đông trùng hạ thảo. |
Đời sống nâng cao
Cách đây 13 năm, mẹ chị Cao Thị Hồng Vân (tổ 11, ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) mắc bệnh nặng. Chị mua đông trùng hạ thảo cho mẹ sử dụng, nên sức khỏe của bà cải thiện đáng kể. Nhận thấy đây là dược liệu có nhiều lợi ích cho sức khỏe nên chị nảy ra ý tưởng nuôi trồng, sản xuất mặt hàng này với mục đích phục vụ người thân trong gia đình. Chị Vân dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu và học tập thực tế ở các phòng thí nghiệm, mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo ở TP.Hồ Chí Minh và Lâm Đồng. Nhờ đó, chị nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật nhân giống, giữ giống và sản xuất nấm.
Năm 2016, chị Vân đầu tư 500 triệu đồng từ nguồn vốn gia đình để xây xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị, con giống... trên diện tích khoảng 1.000m2 và thành lập Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long.
Từ duy nhất một sản phẩm, đến nay công ty đã chế biến thành công 11 sản phẩm từ đông trùng hạ thảo. Đầu năm 2024, thông qua Hội LHPN xã, chị vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nguyên vật liệu, phục vụ nuôi trồng nấm. Chị còn tham gia các khóa học bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, doanh thu công ty ổn định, chị còn tạo việc làm cho 7 lao động địa phương.
Tùy theo năng lực, nguyện vọng và nhu cầu thực tế của hội viên, các cấp hội sẽ tư vấn, hỗ trợ chị em thực hiện những mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp chị em nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trước đây, vợ chồng chị Dương Thị Mùi (tổ 10, thôn Phú Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) đi làm thuê. Công việc không đều, khiến cuộc sống của gia đình chị khá chật vật. Cuối năm 2018, khi tham gia hoạt động Hội LHPN xã Đá Bạc, chị được ủy thác vay 30 triệu đồng từ Ngân hành Chính sách xã hội để mua 5 con dê. Chị vay người thân thêm 50 triệu đồng đầu tư 3 con bò giống. Tận dụng 5 sào đất, chị trồng đậu phộng, bắp làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, chị đang có đàn dê 20 con và 9 con bò. Theo tính toán của chị Mùi, mỗi năm chị thu lãi khoảng 70 triệu đồng, kinh tế dần vững hơn.
Nhiều hình thức hỗ trợ
Theo Hội LHPN TP.Bà Rịa, thực hiện đề án 939, những năm qua, hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn TP.Bà Rịa còn tạo điều kiện cho phụ nữ có nhu cầu kinh doanh tiếp cận các nguồn vốn tiết kiệm, vốn vay và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm… Chỉ tính trong năm 2024, các cấp hội đã huy động được hơn 67,9 tỷ đồng, cho hơn 2.150 lượt hội viên vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội trên địa bàn tích cực huy động, kết nối các nguồn lực hỗ trợ 362 chị khởi sự, phát triển kinh doanh, với số tiền hơn 18,3 tỷ đồng; phối hợp với các ngành chức năng đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho 3.692 lượt lao động nữ; duy trì các mô hình sinh kế hỗ trợ cho gia đình hội viên phụ nữ khó khăn. |
Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiêp cho hội viên, hàng năm các cấp hội tổ chức Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp và cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với hình thức đa dạng và phong phú nên số người tham gia tăng theo hàng năm. Hoạt động này được duy trì thường niên để chị em phụ nữ thể hiện tài năng trong sản xuất, kinh doanh. Đây còn là dịp các cấp hội truyền cảm hứng khởi nghiệp, kỹ năng kinh doanh cho phụ nữ, tạo động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM