.

Dạy con trải lòng

Cập nhật: 18:06, 18/10/2024 (GMT+7)

Trong hành trình làm cha mẹ, quan trọng và nhọc nhằn nhất chính là dạy con trải lòng, bởi chỉ khi con cái sẵn sàng mở lòng với cha mẹ thì sợi dây kết nối giữa hai thế hệ mới bền chặt. Và cách tốt nhất để dạy con trải lòng là sự kiên nhẫn, khéo léo và bao dung của người cha, người mẹ.

Trẻ sẽ hưởng được nhiều lợi ích nếu cha mẹ luôn quan tâm, chăm sóc và yêu thương trẻ. (Ảnh minh họa)
Trẻ sẽ hưởng được nhiều lợi ích nếu cha mẹ luôn quan tâm, chăm sóc và yêu thương trẻ. (Ảnh minh họa)

Lắng nghe từ những câu chuyện nhỏ

"Bão" thông tin trên các trang mạng xã hội đang cuốn trẻ vào vòng xoáy của những xô bồ không dứt. Rồi những chuyển biến mạnh mẽ về tâm sinh lý lứa tuổi "ẩm ương" mà người lớn chưa thật sự thấu hiểu đang đẩy con trẻ và ba mẹ xa cách nhau hơn.

Trẻ cần được tôn trọng, cần được lắng nghe. Do đó, cha mẹ, hãy chú ý những câu chuyện dù nhỏ của con và gạt hết mọi thứ sang một bên để trả lời chúng, ít nhất là 1 lần trong 8 lần khi nói chuyện với trẻ. Điều này có thể làm bạn cảm thấy bực mình khi phải gián đoạn việc riêng để tập trung vào một câu hỏi của con, nhưng cách phản ứng của bạn với lời đề nghị của trẻ là yếu tố xây dựng sự gần gũi đôi bên.

Nên nhớ rằng, trong khi lắng nghe câu chuyện của con, cha mẹ đừng xen ngang bằng những giải pháp và lời khuyên bởi con cần cơ hội để thổ lộ cho đến khi trải hết nỗi lòng. Nếu bạn xen ngang bằng cách đưa ra những giải pháp sẽ khiến trẻ cảm thấy mình bất tài, kém cỏi. Nếu được, hãy cứ lắng nghe, thấu hiểu những cảm xúc của con trước đã. Sau đó, cha mẹ gợi ý, thảo luận để giúp con động não tìm cách giải quyết, trẻ sẽ xem bạn là người cần thiết để chia sẻ và có thể tìm bạn mỗi khi gặp vấn đề nan giải.

Kết nối với con mỗi ngày

Có thêm thời gian với những người mình yêu quý là mong muốn của tất cả chúng ta. Đặc biệt với trẻ con, lúc nào chúng cũng muốn được ở bên ba mẹ nhiều hơn. Nhưng dường như cuộc sống càng hiện đại thì thời gian “kết nối” giữa ba mẹ và con cái càng ít đi... Thậm chí, nhiều phụ huynh mải vùi đầu vào công việc thay vì đưa con đi chơi vào ngày cuối tuần trong khi trẻ con luôn muốn được ở bên cha mẹ, được gần gũi, ôm ấp và vỗ về.

Là cha mẹ, đừng quá lăn tăn việc bạn có thể dành bao nhiêu phút bên con mà thay vào đó là hãy toàn tâm toàn ý khi bên con, để có thể lắng nghe con, hiểu con hơn. Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện, cha mẹ có thể lựa chọn việc dành thời gian cho con theo cách riêng, chỉ cần chúng ta muốn con trẻ có một tuổi thơ vui vẻ, hạnh phúc, được yêu thương trọn vẹn. Việc ba mẹ dành nhiều thời gian cho trẻ không chỉ vun đắp tình cảm mà còn tác động lên chỉ số thông minh (IQ) của trẻ, giúp trẻ tự tin hơn, sống tích cực và trở thành những đứa trẻ hạnh phúc.

THƯ KỲ

 
.
.
.