.

Đừng để mất kết nối với con

Cập nhật: 18:06, 18/10/2024 (GMT+7)

Trong nhiều gia đình hiện nay, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn hơn. Cha mẹ áp đặt con cái làm theo ý mình, vô tình làm mất đi sự kết nối giữa các thành viên, thậm chí đứa trẻ mất kết nối với chính mình và dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Những hoạt động giao tiếp dần ít đi đồng nghĩa với việc các thành viên không hiểu nhau, lơ là trách nhiệm chung với gia đình và dễ nảy sinh những mâu thuẫn, bất hòa không đáng có. (Ảnh minh họa)
Những hoạt động giao tiếp dần ít đi đồng nghĩa với việc các thành viên không hiểu nhau, lơ là trách nhiệm chung với gia đình và dễ nảy sinh những mâu thuẫn, bất hòa không đáng có. (Ảnh minh họa)

Không tìm được tiếng nói chung

Kết thúc buổi học trên trường, học thêm, về đến nhà, ăn uống, tắm rửa xong là Mai Anh (16 tuổi ở phường 3, TP. Vũng Tàu) lại tiếp tục học bài cho đến khuya.

Mai Anh cho biết, hầu như tối nào ba em cũng đi nhậu về khuya vì phải tiếp khách. Mẹ ngoài giờ làm việc, nấu ăn, buổi tối thường thích xem chương trình truyền hình thực tế, YouTube hoặc "tám" chuyện trên điện thoại, thỉnh thoảng đi gặp bạn bè. Đôi lúc, em muốn ngồi bên ba, bên mẹ để kể chuyện trường lớp, bạn bè nhưng đáp lại, ba mẹ chỉ "ừ", "vậy hả", cùng lắm là quay qua nhìn em hỏi: "Có chuyện gì hả con? Học bài xong chưa?" rồi lại dán mắt vào điện thoại, ti vi.

“Cứ như vậy riết nên em không muốn kể chuyện gì với ba mẹ nữa vì có ai muốn nghe em trò chuyện đâu", Mai Anh buồn bã nói. Tương tự, Cẩm Tú (17 tuổi ở phường 11, TP.Vũng Tàu) cũng nặng trĩu nỗi buồn khi chia sẻ về việc không tìm được tiếng nói chung với đấng sinh thành.

Tú chia sẻ: "Em quá mệt mỏi vì phải sống theo lối suy nghĩ áp đặt của ba mẹ. Chưa bao giờ ba mẹ hỏi con làm như vậy có thích không, có hạnh phúc không mà chỉ nhắc đi nhắc lại mấy câu "Áo mặc sao qua khỏi đầu", "Con cãi cha mẹ trăm đường con hư"... Và rút cuộc, chỉ có ý kiến của ba mẹ là đúng", Cẩm Tú thở dài kể.

Đã có vài lần Cẩm Tú phản kháng, làm ngược lại, song cái nhận được chỉ là sự chì chiết hết ngày này qua ngày khác ba mẹ. Cứ thế nên càng lớn, Cẩm Tú càng sống khép kín, không muốn tâm sự với ba mẹ vì biết nói ra chỉ rước lấy phiền lòng.

Lắng nghe nhau để gắn kết

Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng. Nếu trẻ không thể kết nối với cha mẹ, chúng sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với những người khác ngoài đời. Khi không thể giao tiếp với cha mẹ, trẻ phải tự mình đứng ra xử lý những khó khăn và khủng hoảng của bản thân. Trẻ cảm thấy cô đơn, dễ sinh ra các hành động tiêu cực hoặc cực đoan, gây tổn thương cho chính mình hoặc cho cha mẹ.

Ðể gắn kết với con cái, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con mỗi ngày, hãy lắng nghe con để hiểu trẻ đang nghĩ gì và cần gì. Dù bận rộn đến mấy, bạn hãy cố gắng dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để hỏi chuyện con, chơi cùng con hoặc chỉ đơn giản là cùng con làm một việc gì đó. Nếu không thể ngày ba bữa ăn cơm cùng trẻ thì ít nhất cha mẹ cũng nên dành trọn vẹn một bữa ăn tối cùng con trong không khí gia đình sum vầy, ấm cúng.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy quan tâm tới sở thích của trẻ cũng như bạn bè của con, đó cũng là một trong những cách hay để tăng tính kết nối giữa cha mẹ và con cái. Cùng với đó, cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, bởi chúng sinh ra trong điều kiện và hoàn cảnh hoàn toàn khác nên suy nghĩ và hành động cũng sẽ có những khác biệt so với thế hệ cha mẹ ngày trước.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải học cách tôn trọng các quan điểm và đời sống cá nhân của trẻ, nhất là trẻ vị thành niên. Việc cha mẹ can thiệp thô bạo vào đời sống của con sẽ  khiến trẻ cảm thấy bực bội, bị tổn thương, dần dần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng trở nên lớn hơn. Thay vào đó, hãy cho trẻ có cơ hội được chia sẻ và giúp đỡ bạn. Ðược cha mẹ tin tưởng, trẻ sẽ cảm thấy mình “người lớn” và hữu ích hơn, từ đó, chúng sẽ tin tưởng và giao tiếp với cha mẹ nhiều hơn.

THẢO NGUYÊN

 
.
.
.