Tổ chức sản xuất, giúp nông dân phát triển kinh tế
Bà Tạ Thị Thanh (63 tuổi, dân tộc Tày), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã giúp nhiều hội viên nông dân thoát nghèo bằng mô hình liên kết sản xuất.
Bà Tạ Thị Thanh (bìa phải) trao đổi cùng hội viên tận dụng các loại lá cây trong vườn làm thức ăn cho dê, giảm chi phí trong chăn nuôi. |
Đến ấp Phú Lộc, chúng tôi được bà Tạ Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp đon đả giới thiệu về buổi họp mặt dịp 1 năm ra đời Chi hội Nghề nghiệp nuôi gà trống thiến ấp Phú Lộc. Đây là mô hình không những giúp nông dân ấp thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả.
Bà Thanh cho biết, chi hội có 20 thành viên, chia làm 2 tổ chăn nuôi gà, chủ yếu là gà trống thiến. Đến nay, tổng đàn gà của chi hội khoảng 3.000 con, trong đó có 600 con gà trống thiến, dự kiến sẽ phục vụ thị trường Tết.
Với giá bán hiện nay 200 ngàn đồng/kg, dịp lễ Tết tăng lên 220-240 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi con đạt từ 3,5-4,5kg thì người chăn nuôi thu lãi vài trăm ngàn đồng/con. Đây là giống gà được ưa chuộng nên thương lái các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước hay TP. Hồ Chí Minh đặt mua để bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Bà Trương Thị Hương (dân tộc Mường, trú ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp), hội viên chi hội phấn khởi cho hay, gia đình đang nuôi hơn 180 con gà ta thả vườn, trong đó có 60 con gà trống thiến, chuẩn bị bán vào dịp Tết và đã được thương lái đặt mua hết.
Mô hình nuôi gà ta kết hợp với gà trống thiến dưới tán vườn cây ăn trái cho thu nhập ổn định. Thức ăn chủ yếu của gà là bắp nguyên hạt nên thịt gà dai, giòn thơm ngon, chinh phục được nhiều khách hàng. Dự kiến gia đình bà Hương thu lãi khoảng 60 triệu đồng cho lứa gà xuất chuồng dịp Tết Nguyên đán tới đây.
Sự ra đời của Chi hội Nghề nghiệp nuôi gà trống thiến có sự đóng góp của Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Lộc Tạ Thị Thanh. Từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, bà Thanh năng động kêu gọi bà con trong ấp chuyển đổi mô hình chăn nuôi, thành lập chi hội để cùng nhau trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi gà, tìm kiếm đầu mối tiêu thụ. Chi hội xây dựng quy chế hoạt động, thống nhất giá cả, xây dựng kế hoạch chăn nuôi.
Ngoài công việc của Chi hội Nghề nghiệp, bà Thanh còn sát cánh cùng ban điều hành ấp giúp đỡ hội viên nông dân tiếp cận nguồn vay vốn phát triển kinh tế, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật mới tạo dựng kinh tế hộ gia đình bền vững… Từ đó, kinh tế và đời sống người dân không ngừng được nâng cao, số hộ nghèo giảm mạnh. Cụ thể, năm 2019, ấp có 34 hộ nghèo theo chuẩn tỉnh, đến nay chỉ còn 7 hộ nghèo. Ấp phấn đấu đến hết năm 2024 có thêm 4 hộ thoát nghèo.
Anh Thổ Vàng (dân tộc Hoa, trú ấp Phú Lộc) là một trong 4 hộ thoát nghèo trong năm nay. Trước đó, năm 2022, từ sự giới thiệu của Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, Hội Nông dân huyện hỗ trợ gia đình anh Vàng 5 con dê và 300kg cám. Gia đình anh được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên đàn dê lớn nhanh, sinh sản tốt. Hiện nay, đàn dê đã có 12 con, anh bán dê cho thương lái lấy thịt, có đồng ra đồng vào.
Kinh tế hội viên ổn định, bà Thanh đẩy mạnh xây dựng các phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, tặng quà con em hội viên nông dân có thành tích tốt trong học tập. Đồng thời tích cực hưởng ứng, ủng hộ tham gia xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, thi đua tại địa phương.
Với những đóng góp đó, bà Thanh được nhận Bằng khen, Giấy khen về xây dựng Hội Nông dân trong sạch vững mạnh 2019-2024; hoàn thành xuất sắc công tác hoạt động phong trào Hội Nông dân năm 2023. Bà Tạ Thị Thanh cũng vinh dự là cá nhân điển hình tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Ông Lê Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc nhận xét: bà Tạ Thị Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp bà con trong ấp phấn đấu vươn lên giảm nghèo bền vững, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG