.

Thân thiện thái quá…

Cập nhật: 16:06, 16/08/2024 (GMT+7)

Có những chuyện thật hết sức tréo ngoe nhưng lại khiến vợ chồng hục hặc. Thú vị ở chỗ thật không dễ dàng xác định do đâu nên mới thiệt… “oan Thị Màu”.

Có bao giờ, bạn trải qua tình huống này chưa?

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Vợ chồng nhà nọ đi dự đám cưới. Vào nơi chốn ấy, dù chung bàn nhưng chắc gì đã quen nhau, chỉ mới cùng làm quen. Nếu chỉ đôi lời xã giao vu vơ thì bình thường, ngộ thay, ngồi đối diện với cô vợ là chàng trai trẻ hơn, lại tỏ ra quan tâm một cách… quá đáng. Chẳng hạn, hễ có món mới, người chồng chưa kịp gắp cho vợ thì anh chàng đó đã “ra tay” trước. Khó chịu nhất vẫn là cách gọi “em, em” ngọt xớt, cứ như thế thân thiết lắm.

Trên đời này có những kẻ vô duyên đến thế ư? Làm gì có. Đúng là thế, vì nghĩ thế nên anh chồng cứ nghĩ chắc vợ mình có quen với chàng trai đó và bây giờ mới gặp lại. Mà, trong tiệc cưới, chỗ đông đúc chẳng lẽ gặn hỏi? Đành bấm bụng ấm ức. Đến khi về nhà, còn nghe bên tai văng vẳng những câu nói “em, em, em” khiến người chồng quyết làm cho ra nhẽ. Khổ thay, cô vợ ngẩn tò te, nào có biết chàng trai đó là ai, vì chỉ mới gặp lần đầu. 

Thế đấy, trên đời này có nhiều chuyện ta không thể ngờ tới. Nếu lúc đó ngồi ở bàn khác thì mọi việc đã khác. Ngẫu nhiên ngồi phải cái bàn này, gặp phải cái anh chàng chết tiệt kia đúng là bỗng dưng mọi việc chẳng đâu vào đâu, chỉ chuốc thêm bực mình. Trong trường hợp này thiệt tội nghiệp cô vợ. Đúng là cái ất ơ trên trời rơi xuống mà mình gánh chịu.

Sự thân thiện thái quá với người mà mình chưa quen biết, lắm lúc lại bất cập như câu chuyện đi cắt tóc của anh bạn tôi. Anh kể: "Vào bất kỳ tiệm nào mình cũng bị các cháu nữ nhỏ hơn mình hai ba con giáp, cứ một mực gọi mình bằng “anh”, xưng “em” ngọt sớt! Mười lần như một, mình chỉ biết câm nín “nhịn nhục” cho qua, rồi ôm cục tức về nhà”. Sự thân thiện trong cách xưng hô này, chắc chắc chỉ vì muốn tạo ra thiện cảm nhưng rồi lại “ép phê ngược”.  Ấy là anh bạn tôi đi một mình, chứ nếu đi chung với vợ mà cô vợ nghe cách xưng hô “em em, anh anh” ngọt như mía lùi thì sao nhỉ?

Trong khi đó, có người dù không có tính ý gì nhưng rồi cũng vì lý do ga lăng, lịch sự nên cũng mệt lắm đây. Thì đó, có những người luôn tỏ ra “ta đây”, đại loại… luôn quan tâm đến người khác. Anh bạn của tôi là một trường hợp có tính phổ biến. Hễ gặp các người đẹp  mơn mởn xuân xanh, dù quen hay lạ thì anh ta cũng đều tỏ thái độ xăng xái thân thiện, nhất là những lúc đi một mình.

Ngày nọ, khi vào siêu thị mua sắm vào thứ linh tinh, bỗng thấy có cô gái xinh đang đi một mình. A, chỉ có thể đang còn độc thân hoặc vấn đề hôn nhân đang trục trặc đây, vì thông thường khi đi mua sắm cuối tuần thường là cả vợ lẫn chồng, còn đây thì khác. Nghĩ thế, anh ta xấn tới làm quen, dù cô ấy đáng tuổi con cháu, nhưng anh ta vẫn “anh anh, em em” cực kỳ thân mật. Và cuối cùng là bỗng dưng trở thành người “cận vệ” kè kè đi theo. Tất nhiên cũng xin số điện thoại và xin luôn cái hẹn gặp mặt lần sau.

Chuyện dừng đến đó là vui rồi. Ít ra, mình dù có nhọc công nhưng được làm quen với người đẹp. Đời thế mà vui. Nhưng, than ôi, vui cái nỗi gì, vì cô đó chính là… học trò của vợ mà anh ta không hề biết. Thế là việc làm của anh, dù không có mặt nhưng cô vợ sau đó cũng biết tỏng bởi cô học trò kể lại như một cách than phiền. Thế mới “rách việc”.

Qua những trường hợp này, tôi nghĩ, khi gặp những cách xưng hô như vợ chồng kia đi ăn đám cưới thì người vợ cần tỏ thái độ không ưng ý, chứ không vì lịch sự, im lặng mà gây hiểu nhầm. Còn anh bạn của tôi, sau đó cũng không đến tiệm hớt tóc đó nữa để khỏi nghe những lời “có cánh” nhưng không hợp tuổi tác. Có nhiều cách để giải quyết những tình huống không đợi mà đến. Dù cách nào thì mình cũng cần phải chủ động tháo gỡ kịp thời…

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.