.

Ở rể-nên hay không?

Cập nhật: 21:54, 02/08/2024 (GMT+7)

Lâu nay, định kiến về đàn ông ở rể luôn tồn tại trong tiềm thức của nhiều người. Vì thế, nhiều người chồng chấp nhận ở rể luôn mang tâm lý nặng nề.

Nhiều người chồng chấp nhận ở rể luôn mang tâm lý nặng nề. (Ảnh mang tính minh họa)
Nhiều người chồng chấp nhận ở rể luôn mang tâm lý nặng nề. (Ảnh mang tính minh họa)

"Theo vợ về làm rể" 

Ở rể là một trong những điều không người đàn ông nào muốn làm, nhất là ở Việt Nam và các nước Á Đông. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như nhà vợ chỉ có duy nhất một cô con gái hay vợ chồng mới kết hôn chưa có nhà riêng... khiến nhiều chàng trai phải "theo vợ về làm rể" và sống luôn cùng ba mẹ vợ. Hoàn cảnh đó đã dẫn đến không ít mâu thuẫn, thậm chí là bi kịch.

Anh P. sinh ra và lớn lên ở một tỉnh phía Bắc, còn vợ anh là con một, nhà ở TP.Vũng Tàu. Sau đám cưới cuối năm 2021, anh thuê một căn chung cư cho vợ chồng tiện sinh hoạt. Được 2 tháng, ba mẹ vợ xót con, đề nghị anh ở rể. Dù không muốn nhưng với đồng lương hơn 15 triệu đồng/tháng thì không biết bao giờ mua được nhà nên anh đồng ý.

Ở rể, anh P. luôn nhận được những lời dị nghị từ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Không ít lần, anh phải chịu những lời nói móc máy của ông chú, ông cậu ở quê. "Có những chuyện chỉ có thể tự mình trải qua mới hiểu được hết cảm giác, có những hoàn cảnh cũng chỉ có thể lựa chọn chấp nhận chứ không còn cách nào khác", anh P. thổ lộ.

Tương tự, anh H. (quê ở Đồng Tháp) đến TP.Vũng Tàu lập nghiệp, kết hôn. Vợ anh H. có chị gái nhưng đã đi lấy chồng, ba mẹ vợ lớn tuổi nên yêu cầu anh ở rể mới được cưới. Tất cả mọi chuyện liên quan đến quyết định về mua sắm, chi tiêu, tiền bạc… của gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ, anh gần như là người đứng ngoài cuộc. Anh H. cũng ý thức mình đang “ở nhờ” nên mỗi lần say vì tiếp khách, đi chơi về muộn hay thậm chí dạy con cũng phải nhìn "sắc mặt" ba mẹ vợ, chỉ cần ba mẹ vợ “tằng hắng”, nói xa gần hay trách khéo một chút về việc nào đó là anh hiểu mình nên như thế nào, làm gì.

Đỉnh điểm là có lần bạn anh H. đến nhà anh đưa tài liệu, thế nhưng, bố mẹ vợ không những không mời bạn anh vào nhà mà còn tỏ thái độ khinh miệt với con rể và bạn của con. Điều này đã khiến H. xấu hổ và tổn thương. Đã có lúc anh H. từng nghĩ, bản thân không thể tiếp tục cuộc sống ở rể nhà vợ và tính đến cảnh ly hôn để giải thoát cho cả hai.

Dâu dâu rể rể cũng kể là con

"Dâu dâu rể rể cũng kể là con" mang hàm ý nhắc nhở ta nên coi dâu rể như con cái của mình. Duyên phận đã đưa đẩy ta về một nhà, thì cần nhìn nhận nhau như những người ruột thịt. Câu nói mang tinh thần gắn kết các mối quan hệ. Ông cha ta hy vọng những bậc làm cha mẹ hay những đứa con sẽ ghi lòng tạc dạ để cuộc sống gia đình hạnh phúc, yên ấm.

Thực tế, không ít ba mẹ vợ xem con rể như con trai trong nhà. Họ quý trọng con rể vì đã sẵn sàng ở nhà mình, cố gắng để con rể thấy dễ chịu nhất có thể. Nhiều con rể cũng sống rất trách nhiệm, luôn xem mình như con ruột khi sống ở nhà vợ.

Thời gian gần đây, mạng xã hội xôn xao về câu chuyện một ông có 7 cô con gái, 7 anh con rể và một đàn cháu. Ông cụ lớn tuổi nên bệnh, phải vào viện nằm, thì cả 7 anh con rể đều luân phiên nhau vào chăm sóc ba vợ. Nhiều lúc các anh còn tự giác rủ nhau vào túc trực bên ông cụ, không cần vợ đi theo.

Câu chuyện cảm động ở chỗ cái tình của ba vợ dành cho mấy anh con rể phải như thế nào thì các chàng trai mới tự nguyện vào thăm ông, ở bên ba vợ suốt cả ngày, chăm sóc ông từng miếng cơm, ly nước, thật tình cảm. Mấy cô con gái của ông cũng chia sẻ, ba mẹ rất thương các con rể và các cháu. Nhà dù đông người, mỗi người một tính, nhưng tình cảm ông bà, ba mẹ, vợ chồng, con rể và các cháu chưa bao giờ có xích mích hay tranh cãi gì. Chính tình yêu thương ấm áp của ba mẹ đã giúp con cháu trong nhà hòa thuận, hiếu thảo, gần gũi, luôn yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Qua câu chuyện trên cho thấy, khi ba mẹ vợ xem con rể giống như con trai khi sống chung dưới một mái nhà, yêu thương và xóa khoảng cách con rể là… “người ngoài” thì tất nhiên chàng rể cũng xem mình là một thành viên có đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của một người con khi sống cùng nhà vợ.

Trong xã hội hiện đại, ở rể không phải vấn đề quá nghiêm trọng khi đa số gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, phụng dưỡng ba mẹ là trách nhiệm của cả con rể và con dâu. Bởi vậy, nếu ở rể là phương án tốt nhất để tiện bề chăm sóc gia đình, tiết kiệm kinh tế thì ở rể cũng là việc làm cần thiết.

Dẫu biết ở rể không dễ dàng với bất cứ người đàn ông nào. Nhưng cũng đừng vì những định kiến cổ hủ, những chê bai không đáng mà đánh mất hạnh phúc của mình. Vì thế, thay vì mặc cảm, các chàng rể cần tìm cách thích nghi, hòa đồng với môi trường mới và vun đắp cho gia đình và đặc biệt là đề cao trách nhiệm phụng dưỡng song thân phụ mẫu của mình.

THẢO VY

 
.
.
.