Ly hôn tuổi 'xế chiều', nên không?
“Ly hôn xám”, tức những cuộc hôn nhân tan vỡ ở tuổi xế chiều, đang có nguy cơ gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. “Ly hôn xám” có thể mang đến nhiều hệ lụy với nền tảng gia đình, sự phát triển của toàn xã hội.
“Ly hôn xám” có thể mang đến nhiều hệ lụy với nền tảng gia đình, sự phát triển của toàn xã hội. |
Không còn là chuyện hiếm
Anh N.X.C (55 tuổi) và chị N.T.H (52 tuổi) đều là công chức Nhà nước, gia đình giàu có, nhà cửa, xe cộ đủ cả. Anh chị có hai con, một trai, một gái đang học Đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Tài sản, đất đai ông bà để lại nên yên ấm chả phải lo nghĩ gì. Thoạt nhìn, ai cũng bảo họ quá đẹp đôi, quá hạnh phúc.
Nhưng đúng như các cụ nói “ở trong chăn mới biết”, hai vợ chồng anh chị sống với nhau chung nhà nhưng giống như đối tác, bạn bè nhiều hơn. Mỗi người ngủ riêng một giường, nói chuyện nhiều khi cũng chả nhìn mặt nhau. Đơn giản là cả hai không còn thấy nhau thú vị nữa, họ thuộc tính cách nhau đến phát chán. Đến cả tính sạch sẽ thái quá của anh xưa không có vấn đề gì thì khi về già, nó làm chị khó chịu. Chị vừa lau nhà xong thì anh kêu chưa hết bụi và lau lại. Ngày nghỉ, chị muốn ngủ nướng, anh lại bắt dậy sớm đi cà phê, ăn sáng với bạn bè…
Cách đây 2 tháng, khi không còn chịu được áp lực cuộc sống trên, anh và chị đều thống nhất là sẽ ly hôn, nhưng cứ phải đợi con cái học xong mới nộp đơn ra tòa. “Biết là ly hôn sẽ đối diện với tai tiếng người đời, rồi con cái, gia đình, họ hàng. Nhưng tôi đã suy nghĩ kĩ suốt nhiều năm rồi, chẳng lẽ mình phải sống một cuộc đời chịu đựng như vậy hoài. Cứ ly hôn trước đã, thà sống không chồng, nhưng tự do, tự yêu thương lấy chính mình còn hơn “có chồng cũng như không”, chị H tâm sự.
Thuật ngữ “ly hôn xám” hay “ly hôn hoa râm”, nói rõ hơn là ly hôn sau tuổi 50 không còn là chuyện lạ. Chỉ trong vài thập niên gần đây, tỉ lệ này tăng đột biến. Tạp chí Lão khoa của Mỹ cho biết, hiện ở quốc gia này, cứ 4 người trên 50 tuổi thì có hơn 1 người ly hôn, mà quá nửa trong số đó từng có trên 20 năm chung sống.
Còn tại Việt Nam, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1% tổng dân số. Theo phân tích kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi 40-50 chiếm khoảng 15%, các cặp vợ chồng ở độ tuổi trên 50 tuổi chiếm khoảng 9%.
Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ “ly hôn xám” gia tăng trong vài thập niên gần đây. Đầu tiên là ý nghĩa của hôn nhân đã thay đổi. Trước kia, người ta quan niệm phải sống có đôi mới là hạnh phúc. Người độc thân, bất kể thành đạt hay không vẫn bị xem là lẻ loi và thường bị nhìn bằng con mắt ái ngại. Nhưng bây giờ, một cuộc hôn nhân có tốt đẹp hay không được xác định bằng những câu hỏi như: Cuộc hôn nhân này có khiến tôi hạnh phúc hơn là sống độc thân không? Cuộc hôn nhân này có góp phần hoàn thiện con người tôi không? Nếu câu trả lời là “không” thì ly hôn là điều có thể chấp nhận được.
Hơn nữa, khác với các thế hệ trước, phụ nữ lấy chồng chỉ có 2 bàn tay trắng, sống hoàn toàn phụ thuộc vào nhà chồng. Điều họ sợ nhất là ly hôn thì sống như thế nào, sống bằng gì thì ngày nay, đa số phụ nữ thường độc lập về kinh tế, cho phép họ có những lựa chọn khác nếu hôn nhân không hạnh phúc.
Còn một nguyên nhân nữa là tuổi thọ của con người ngày nay cao hơn, nếu một người đang ở tuổi 60, cuộc sống có thể còn kéo dài gần 20 năm nữa, một khoảng thời gian đáng kể của đời người. Vì thế mà nhiều người muốn tách khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc để được sống, được làm những gì họ thích theo cách của họ trong quảng đời còn lại?
Trong tham luận “Ly hôn xám hiện nay - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”, các tác giả Vũ Thị Minh Ngọc và Nguyễn Hoàng Anh đã chỉ ra những tác động của “ly hôn xám” đến xã hội. Theo đó, xu hướng này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của xã hội. Tan vỡ luôn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của mỗi người. Ly hôn hạn chế năng lực sáng tạo, hiệu quả công việc của cá nhân. Một đất nước có nhiều gia đình tan vỡ, không chỉ bị ảnh hưởng về chất lượng của nguồn lực vật chất mà các hệ thống giá trị, chuẩn mực vốn có cũng bị ảnh hưởng và dần biến đổi không theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phải dành nhiều quan tâm hơn với những vấn đề về sức khoẻ, nhà ở, bảo đảm vật chất với nhóm người già cô đơn gia tăng trong những năm tới.
Còn nước, còn tát
Hôn nhân cũng như một món đồ, nếu chúng ta biết quý trọng, nâng niu nó, món đồ ấy sẽ luôn đẹp đẽ, lung linh và ít khả năng bị hỏng hóc. Dẫu có hỏng hóc, hãy tìm cách sửa chữa thay vì vứt bỏ hoặc thay thế nó. Trong tình cảm vợ chồng cũng thế, nếu có khúc mắc, hãy kiên nhẫn tìm cách hằn gắn chứ đừng vì ích kỷ cá nhân mà quên mất những ngày tháng cùng nhau vượt qua gian khổ.
Tiến sĩ Tâm lý học John Duffy, tác giả cuốn sách “Nuôi dạy con thế hệ tuổi teen mới trong thời đại lo âu” chia sẻ, nếu bạn không hạnh phúc trong mối quan hệ của mình, đừng cho rằng đã quá muộn để thay đổi. Hãy nói chuyện cởi mở với bạn đời về cảm xúc của bạn, những thứ mà bạn đời hoặc cả hai có thể làm để cải thiện cuộc sống hôn nhân hay thêm sức sống mới cho cuộc hôn nhân. Nếu cần, hãy tìm đến một bác sĩ tâm lý để hướng dẫn bạn vượt qua chặng đường khó khăn.
Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy mối quan hệ hôn nhân của mình đã đến lúc không thể gắng gượng, hãy dành chút thời gian cùng bạn đời, bình tâm giải thích về cảm xúc của mình nếu được. Hãy để cho nhau nhớ về những thứ tốt đẹp cả hai đã có trong những tháng năm bên nhau như con cái, công việc, những chiến thắng, thất bại, những khoảnh khắc hài hước và tình yêu. Sau đó, bạn có thể thấy hoàn toàn thoải mái giải thoát cho đối phương để hoàn thiện những “chương tiếp theo” của cuộc đời mình.
TỊNH LÂM