Cảnh giác sốt xuất huyết: Nhập viện ngay khi có dấu hiệu trở nặng

Thứ Năm, 15/08/2024, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu tháng 7 đến nay, Bệnh viện Vũng Tàu đã tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng, có cả bệnh nhi lẫn người lớn. Hầu hết các trường hợp này đều có những yếu tố thúc đẩy làm cho diễn biến bệnh SXH trở nặng nhanh, gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân N.H.T.
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân N.H.T.

Bệnh trở nặng bất thường

Sau 5 ngày điều trị tích cực tại Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu), bệnh nhi N.H.T., (15 tuổi, phường 10, TP.Vũng Tàu) đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm do SXH gây ra. Theo người thân của T., trước khi vào viện, em sốt cao, sau đó hết sốt 2 ngày và tái sốt trở lại. Cùng với sốt cao, bệnh nhi còn đau bụng và đau nhức khắp người nên gia đình đưa em vào Bệnh viện Vũng Tàu. Bác sĩ chẩn đoán em mắc SXH và chỉ định nhập viện do có các yếu tố nguy cơ như thừa cân và vào viện trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh.

Chỉ sau 1 ngày, diễn biến bệnh bất thường và trở nặng nhanh, khiến bệnh nhi rơi vào tình trạng sốc SXH. Người bệnh mệt nhiều, huyết áp kẹp, mạch nhanh, tiểu cầu giảm sâu, tràn dịch màng phổi và bụng, suy hô hấp. Trước những biến chứng nguy hiểm này, bệnh nhi được truyền bù dịch cao phân tử, hỗ trợ hô hấp áp lực dương. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân tạm ổn. Người nhà của T. cho biết thêm, cách đây 2 năm, em từng bị SXH nhưng bệnh nhẹ hơn lần này. Do vậy, gia đình cũng cảnh giác và nhận diện các dấu hiệu của bệnh nên đưa con vào viện kịp lúc.

Không chỉ Khoa Nhi, thời gian gần đây, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Vũng Tàu) cũng điều trị một số trường hợp mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo, trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh và có các triệu chứng của bệnh nặng.

Đơn cử, cuối tháng 7 vừa qua, sau khi bị sốt, đau mỏi toàn thân, chị L.T.N., (41 tuổi, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) đi khám tại một cơ sở y tế tư nhân và lấy thuốc về nhà uống, song bệnh không thuyên giảm, người còn mệt mỏi hơn. Khi đó, bệnh nhân mới vào Bệnh viện Vũng Tàu khám và được chẩn đoán mắc SXH. Vừa mắc SXH, người bệnh còn ra kinh lượng nhiều. Điều này làm cho hồng cầu và tiểu cầu của người bệnh giảm nhanh. Bệnh viện Vũng Tàu phải huy động nguồn máu sống từ các thành viên trong Đội Ngân hàng máu sống TP.Vũng Tàu để kịp thời truyền máu toàn phần cho chị N. Sau khi truyền 3 đơn vị máu, khoảng 1 lít máu, sức khỏe người bệnh dần ổn định, chỉ số hồng cầu và tiểu cầu tăng lên.

Mắc SXH phải tái khám hàng ngày

Theo bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân mắc SXH nhập viện giảm hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn ghi nhận nhiều trường hợp SXH cảnh báo và sốc SXH, nhất là từ tháng 7 trở lại đây. Đây cũng đang giai đoạn có thể bùng phát dịch SXH. Vì vậy, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống và trang bị các kiến thức để nhận diện các dấu hiệu khi mắc bệnh để vào viện kịp thời.

Hầu hết các trường hợp mắc SXH đều bị nhẹ, có thể điều trị ngoại trú và tái khám hàng ngày theo lịch hẹn của bác sĩ. Nhưng có một số người có thể bệnh trở nặng, gây biến chứng nguy hiểm. Đối với trẻ em, cần phải chú ý đến những em bị bệnh tim mạch, hô hấp, thận và dư cân; người lớn có cơ địa béo phì, nhiều bệnh nền mãn tính đang sử dụng thuốc, có các bệnh phải dùng thuốc kháng đông; phụ nữ mang thai. Đây là những yếu tố làm cho nhóm đối tượng này dễ bị SXH nặng.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận điều trị ngoại trú và nội trú cho 146 trường hợp mắc SXH. Trong đó, có 41 trường hợp SXH cảnh báo và sốc SXH, riêng từ tháng 7 trở lại đây có 6 ca sốc SXH.

Bác sĩ lưu ý, giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh SXH diễn ra từ ngày thứ 3 đến 6 của bệnh. Lúc này người bệnh có thể đã hạ sốt, nhưng sẽ có các triệu chứng khác như chảy máu tự nhiên ở mũi, răng; đi cầu ra máu; ra máu âm đạo đối với phụ nữ; trẻ con còn có đau bụng, ói nhiều, ăn uống không được…Lúc này, người bệnh cần phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Phạm Lương Tri, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, đặc trưng của SXH là tăng tính thẩm thành mạch máu dẫn đến người bệnh bị cô đặc máu và giảm tiểu cầu. Khi bệnh chuyển sang mức độ nặng sẽ gây sốc SXH, sau đó sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy đa cơ quan, tụt huyết áp…đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người bệnh. Khi cơ thể có các dấu hiệu như sốt, mệt mỏi, nôn ói nhiều, chảy máu tự nhiên, ăn uống kém, cần phải vào bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, cho làm xét nghiệm máu và chẩn đoán bệnh. “Người bệnh mắc SXH thì cần tái khám tại cơ sở y tế mỗi ngày để được đo mạch, huyết áp, đánh giá các dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện nhằm phòng, chống bệnh nặng”, bác sĩ Phạm Lương Tri khuyến cáo.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.