.

Vững tay nghề, sáng tương lai

Cập nhật: 17:44, 23/07/2024 (GMT+7)

Với chương trình đào tạo phù hợp, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, giáo dục nghề nghiệp là con đường sáng cho HS sau tốt nghiệp THCS. Trong đó, chương trình đào tạo 9+ là mô hình ưu việt được khuyến khích lựa chọn.

Đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu tư vấn, hướng nghiệp cho HS.
Đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu tư vấn, hướng nghiệp cho HS.

Cơ hội học tập, việc làm rộng mở

Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, toàn tỉnh có 5.426 HS không vào lớp 10 công lập. Trong đó khoảng 2.639 HS không trúng tuyển, số còn lại là HS không đăng ký thi tuyển sinh. Bên cạnh con đường vào các trường THPT ngoài công lập, các trung tâm GDTX, giáo dục nghề nghiệp là con đường sáng cho HS tốt nghiệp THCS.

Ông Dương Tấn Tín, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) cho biết, toàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, 8 cơ sở đào tạo hệ trung cấp cho đối tượng HS tốt nghiệp THCS. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trên địa bàn tỉnh là 7.550 HS, SV với 46 ngành nghề thì có tới 4.520 chỉ tiêu hệ trung cấp với 34 ngành đào tạo (30 ngành cho HS tốt nghiệp THCS). Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo chung toàn tỉnh là 90,65%, riêng năm 2023 đạt 93,93%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên qua đào tạo chỉ 13,4%. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở bậc sơ cấp, trung cấp.

Nói về xu hướng tuyển dụng, tìm việc làm trên thị trường, ông Tín thông tin, các lĩnh vực mũi nhọn theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần nguồn nhân lực có tay nghề trước hết phải kể tới lĩnh vực công nghiệp với nhóm nghề công nghiệp chế biến, nhóm nghề chế tạo gắn với công nghệ thông minh.

Kế đến là lĩnh vực cảng biển với nhóm nghề xây dựng hạ tầng giao thông, nhóm nghề khai thác cảng, lĩnh vực du lịch với nhóm nghề du lịch dịch vụ. Ngoài ra còn có nông nghiệp công nghệ cao với nhóm nghề phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông nghiệp.

Đại diện Sở LĐTBXH cũng khuyến khích HS đã tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học giáo dục nghề nghiệp để được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng trước khi bước chân vào thị trường lao động. Theo ông Tín, hệ lụy của lao động chưa qua đào tạo là công việc không ổn định, thiếu kiến thức, kỹ năng nên không chuyên nghiệp với nghề…

Một vấn đề được quan tâm không kém là việc làm sau tốt nghiệp. HS, SV sau khi tốt nghiệp sẽ được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ giới thiệu việc làm. Riêng tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, trường có mối quan hệ hợp tác rất tốt với các khu công nghiệp và doanh nghiệp. Nhà trường cam kết hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 100% HS, SV sau khi tốt nghiệp. Việc quan trọng là các em phải cố gắng trau dồi kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kinh nghiệm trong quá trình học tập nhằm đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và có cơ hội gắn bó, thăng tiến trong công việc.

Hệ 9+ ưu việt

Chia sẻ những ưu thế khi HS theo học giáo dục nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, ông Nguyễn Lâm, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, HS tốt nghiệp THCS được miễn 100% học phí học nghề trung cấp. 

Ông Lâm phân tích, sau khi tốt nghiệp THCS, nếu tiếp tục học phổ thông thì tới 18 tuổi, các em mới vào năm thứ nhất ĐH, CĐ. Trong khi nếu theo học giáo dục nghề nghiệp, ở cùng độ tuổi này, các em đã hoàn thành chương trình CĐ và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động với đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Không chỉ vậy, với giáo dục nghề nghiệp, thời lượng thực hành, thực tập chiếm 70% thời lượng chương trình đào tạo. Điều này phù hợp với các em có năng khiếu về thực hành, không muốn học nhiều lý thuyết. Đặc biệt là thời lượng học văn hóa 4 môn đối với hệ 9+ ít, phù hợp với đối tượng vừa học nghề vừa học văn hóa. “Nếu lựa chọn văn hóa 7 môn song song với học nghề thì khá vất vả cho các em, khiến các em không có thời gian tập trung cho chuyên môn nghề nghiệp”, ông Lâm nhìn nhận.

Chương trình đào tạo hệ 9+ là chương trình riêng biệt dành cho HS tốt nghiệp THCS. HS theo học mô hình đào tạo này sẽ tích hợp học tập song song kiến thức 4 môn văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp. Đây là mô hình ưu việt được nhà nước khuyến khích, nhằm phân luồng HS có định hướng nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp THCS.

Ông Lâm cho hay, trong các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, nhiều phụ huynh, HS bày tỏ băn khoăn: “Chương trình hệ 9+ đào tạo văn hóa 4 môn không được dự thi tốt nghiệp THPT thì có được liên thông lên ĐH hay không?”. Câu trả lời là: “Hoàn toàn được”. Trong 2,5 năm đầu, các em vừa học trung cấp vừa học khối lượng kiến thức văn hóa THPT (theo Thông tư 15/2022/BGDDT) hay gọi là văn hóa 4 môn, chỉ trong 3 học kỳ (khoảng 15 tháng). Sau khi hoàn thành 2,5 năm đầu, các em được cấp bằng trung cấp chính quy và giấy chứng nhận “Đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT” (theo phôi chứng nhận của Bộ GD-ĐT). Lúc này, các em đủ điều kiện học tiếp lên CĐ trong 1 năm.

Sau khi tốt nghiêp CĐ, các em sẽ được học liên thông từ CĐ lên ĐH, xét tuyển dựa vào bằng và bảng điểm của CĐ, chứ không xét học bạ và bằng tốt nghiệp THPT.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
.
.
.