Thách thức từ quá trình già hóa dân số
Tuổi thọ người dân ngày càng được nâng cao, tỷ số giới tính khi sinh duy trì ở mức hợp lý, song đang có nhiều thách thức về mức sinh thấp, già hóa dân số… Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chia sẻ khi trả lời phỏng vấn của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.
* Phóng viên: Thưa ông, công tác dân số của tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả nào đáng chú ý?
- Ông Nguyễn Phương Nam: Những năm qua, chương trình dân số của tỉnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành y tế, cùng sự phối hợp thực hiện của các sở, ban ngành, đoàn thể nên đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bà Rịa - Vũng Tàu đạt mức sinh thay thế vào năm 2003 và duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tạo được sự ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số. Từ năm 2015 - 2023, tỉnh chú trọng duy trì mức sinh và nâng cao chất lượng dân số. Tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về “Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”... Công tác truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản được đẩy mạnh.
Đến nay, tỷ số giới tính khi sinh hàng năm của tỉnh được duy trì ở mức hợp lý khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Có 85,4% bà mẹ mang thai được tầm soát sàng lọc trước sinh; 80,1% trẻ sơ sinh được tầm soát sàng lọc sơ sinh. Kết quả này cao hơn so với tỷ lệ sàng lọc chung của cả nước.
Ngoài ra, hàng năm người cao tuổi của tỉnh được lập hồ sơ và khám sức khỏe định kỳ. Nhờ đó, tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh tăng lên một cách đáng kể, từ 75,8 tuổi (năm 2010) lên 76,4 tuổi (năm 2022), nam hơn 73 tuổi, nữ khoảng 79 tuổi.
* Thách thức lớn nhất đối với công tác dân số tại địa phương là gì, thưa ông?
- Công tác dân số trong tình hình mới được xác định rõ tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII như sau “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”. Vì vậy, để thực hiện chuyển hướng mục tiêu từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, thì công tác này của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Thách thức lớn nhất là mức sinh thấp. Tổng tỷ suất sinh của tỉnh hiện vẫn ở mức thấp so với mức sinh thay thế của cả nước. Tính đến năm 2022, mức sinh cả tỉnh đạt 1,91 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Hiện tỉnh đang được xếp vào nhóm 21 địa phương có mức sinh thấp. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, thiếu nguồn lao động…
Tỷ số giới tính của tỉnh đang được kiểm soát, duy trì ở mức 107 nam/100 nữ. Tỷ số này tương đối ổn định nhưng chưa thật sự vững chắc. Nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp hiệu quả, tỷ lệ giới tính khi sinh vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới.
Hơn nữa, cũng như cả nước, Bà Rịa -Vũng Tàu đang bước vào giai đoạn già hóa dân số một cách nhanh chóng với tỷ lệ người cao tuổi chiếm khoảng 13%. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm về an sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...
Người cao tuổi xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) được khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã. |
* Năm nay, tròn 30 năm Ngày Dân số thế giới, Việt Nam chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”. Xin ông cho biết, tỉnh cần thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ nào để thực hiện tốt chủ đề này?
- Thời gian tới, chương trình dân số và phát triển của tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, gồm: duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế tỷ số giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng dân số.
Ngành tiếp tục tuyên truyền, triển khai và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số theo Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch đến năm 2030 đã được phê duyệt. Tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh trước sinh và sơ sinh để người dân tham gia. Cùng với đó, cung cấp kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tình dục để nam giới và phụ nữ biết và phòng tránh thai an toàn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc thai nhi tốt để sinh con khỏe mạnh.
Ngành dân số tỉnh cũng tổ chức các hoạt động truyền thông về già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân.
* Xin cảm ơn ông!
TUỆ LÂM (Thực hiện)