.

Nguy hại khi trẻ dùng thiết bị thông minh quá đà

Cập nhật: 16:47, 09/07/2024 (GMT+7)

Thời gian nghỉ hè, do thiếu sự kiểm soát của phụ huynh, nhiều trẻ sa đà vào việc sử dụng điện thoại thông minh, ti vi, máy tính... (gọi chung là thiết bị thông minh (TBTT). Việc này kéo dài gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và tinh thần của trẻ.

Tùy theo điều kiện, phụ huynh có thể cho con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí để hạn chế con xem  điện thoại, ti vi.
Tùy theo điều kiện, phụ huynh có thể cho con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí để hạn chế con xem điện thoại, ti vi.

Trẻ phải nhập viện do sử dụng TBTT

Gia đình chị Ngô Quế Mai (ở phường 11, TP.Vũng Tàu) có 2 con, đang học lớp 5 và 7. Để phục vụ học tập của các con, chị mua cho mỗi con một chiếc điện thoại thông minh.

Chị “giao ước”, ngoài học tiếng Anh online khoảng 1 giờ/ngày, chị cho các con xem điện thoại thêm 2 giờ/ngày. Thời gian còn lại, chị khuyến khích con đọc sách, vẽ tranh hay phụ giúp ba mẹ quét dọn nhà cửa, thu xếp quần áo… Vậy nhưng, 2 con của chị Mai vẫn lén xem điện thoại, tivi khoảng 5-6 giờ/ngày. Các con chủ yếu xem phim hoạt hình, Youtube và chơi game.

“Ban đầu tôi nghĩ, con sử dụng các TBTT nhiều hơn mốc quy định của tôi cũng không sao. Song mấy tuần sau tôi để ý, con khó ngủ, ban đêm ngủ trễ, giảm chú ý, hay cáu gắt… Vì vậy, tôi phải nhờ mẹ ở quê vào hỗ trợ chăm sóc và quản lý các con mấy tháng hè để hạn chế các cháu dùng điện thoại thông minh”, chị Mai cho hay.

Việc trẻ thường xuyên sử dụng các TBTT như con chị Mai ngày càng trở nên phổ biến. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Nhiều trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu khi lạm dụng TBTT.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Vũng Tàu liên tục tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhi có cơn động kinh. Các em đều dưới 18 tuổi. Những trường hợp này có đặc điểm chung là thường xuyên sử dụng TBTT. Đơn cử, ngày 24/6, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đoàn Văn Thanh (17 tuổi, ở TP.Vũng Tàu) trong tình trạng co cứng, co giật toàn thân, mắt trợn ngược, đầu quay về một bên, mất ý thức trong cơn co giật. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chụp MRI sọ não, điện não đồ và cho kết quả ghi nhận sóng động kinh toàn thể. Thanh phải điều trị bệnh 2 ngày mới được xuất viện.

Ngày 26/6, Bệnh viện Vũng Tàu lại tiếp nhận bệnh nhi Hồ Mạnh Nam (12 tuổi, ở TP.Vũng Tàu) trong tình trạng có cơn động kinh và có những biểu hiện giống bệnh nhân Đoàn Văn Thanh. Bệnh nhi được chỉ định chụp CT não, điện não đồ cũng cho kết quả ghi nhận sóng động kinh toàn thể.

Trẻ em sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trẻ em sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cho con sử dụng thiết bị điện tử hợp lý

Bác sĩ Trần Thiện Trường, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, việc sử dụng TBTT quá nhiều đang là nguyên nhân khiến trẻ bị cơn động kinh; rối loạn tic (các cơ cử động bất thường); tăng động giảm chú ý; rối loạn cưỡng bức, ngôn ngữ, hoạt động.

Yếu tố ánh sáng nhấp nháy trên màn hình điện thoại, máy tính bảng… chính là một trong những kích thích mạnh nhất thúc đẩy các cơn động kinh xuất hiện. Nếu trẻ sử dụng TBTT với ánh sáng nhấp nháy liên tục kéo dài nhiều giờ, ngủ ít sẽ có nguy cơ xuất hiện cơn động kinh.

Theo bác sĩ Trường, mùa hè trẻ không đến trường nên các em có nhiều thời gian xem tivi, sử dụng TBTT. Điều này làm gia tăng hiện tượng trẻ lên cơn động kinh. Trẻ lên cơn động kinh một lần sẽ dễ dàng lên cơn lần thứ hai, thứ ba… Nếu để diễn ra các cơn động kinh liên tục sẽ ảnh hưởng nhiều đến thể chất, tâm lý và trí tuệ của các em.

Việc cấm trẻ em sử dụng các TBTT rất khó và chưa hẳn là đúng bởi đây là xu hướng của thời đại, có nhiều lợi ích song cũng có tác hại. Do vậy, phụ huynh cần cân nhắc và định hướng cho trẻ sử dụng các TBTT một cách phù hợp.

Bác sĩ Trần Thiện Trường cho rằng, phụ huynh không nên cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng TBTT. Khi trẻ sử dụng các thiết bị này, phải có người lớn ở bên cạnh. Phụ huynh cùng xem và giải thích, tương tác với trẻ, thay vì để trẻ tương tác với thiết bị.

Mỗi ngày phụ huynh chỉ nên cho trẻ sử dụng các thiết bị tối đa 2 lần, mỗi lần 30-45 phút. Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện co giật, động kinh hay các biểu hiện lạ khác thì phải ngừng ngay việc sử dụng thiết bị hoặc giảm thời gian sử dụng đến mức tối thiểu.

"Các gia đình cần thay đổi ý nghĩ “nhờ” TBTT để dỗ con. Tùy vào điều kiện, phụ huynh có thể cho con tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, hoạt động cộng đồng, trải nghiệm một cách phù hợp", bác sĩ Trường khuyến cáo.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

 
.
.
.