Rèn kỹ năng vui khỏe
Vui khỏe - an toàn - rèn luyện kỹ năng là sân chơi do Liên Đội Trường TH Cao Văn Ngọc (huyện Long Điền) sáng tạo thực hiện ngay tại sân trường cho học sinh và thiếu nhi địa phương. Sân chơi đã giúp trường học thành điểm đến lý tưởng cho thiếu nhi trong những ngày hè.
Học sinh Trường TH Cao Văn Ngọc hào hứng sau khi cùng giáo viên hoàn tất sân chơi sáng tạo tại sân trường. |
Kiến thức trong những trò chơi
Mọi năm, Trường TH Cao Văn Ngọc luôn mở cửa tự do để phục vụ các em học sinh, thiếu nhi địa phương đến đọc sách vào những ngày hè. Năm nay, bên cạnh những trang sách, những cầu bập bênh, xích đu, đu quay… tại sân trường còn có sân chơi mới: Vui khỏe - an toàn - rèn luyện kỹ năng.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện sân chơi này, cô Lê Thị Cẩm Nhung, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường TH Cao Văn Ngọc cho biết, đó là việc biến tấu các trò chơi dân gian ô ăn quan, nhảy lò cò, chú sâu ngộ nghĩnh… thành trò chơi mang thông điệp ý nghĩa.
Cụ thể, trong trò chơi ô ăn quan, hình ảnh các biển báo giao thông cơ bản như đi thẳng, được rẽ phải, giao nhau với vòng xuyến, đường cấm… được vẽ để học sinh tiếp cận và biết thêm kiến thức khi tham gia giao thông. Kiến thức bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại cũng được lồng ghép trong trò chơi nhảy lò cò quen thuộc với những thông điệp như: tìm hiểu giáo dục giới tính, hãy chia sẻ với gia đình - thầy cô giáo, không tiếp xúc với người lạ… Hay như các thông điệp: Mặc áo phao khi xuống nước, Không leo trèo cao, Không nghịch ổ điện, 5 quy tắc an toàn… cùng với những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh, đáng yêu cũng được thể hiện trên các toa xe lửa.
Thiếu nhi bên trò chơi ô ăn quan với thông điệp biển báo giao thông được vẽ bắt mắt. |
Chỉ với chi phí ít ỏi là vài trăm ngàn đồng, cùng những giờ lao động miệt mài sáng tạo, GV Tổng phụ trách Đội và 10 đội viên có năng khiếu về hội họa đã tạo ra một sân chơi thú vị, đúng sở thích của các em nhỏ.
Em Bùi Lê Khánh Nguyên, học sinh Trường TH Cao Văn Ngọc cho biết, sau khi nghe cô giáo Tổng phụ trách Đội chia sẻ về ý tưởng thực hiện, em thấy việc này trong khả năng của mình nên đã cùng cô và các bạn khác dành thời gian để vẽ. Vào giờ ra chơi, buổi sáng và buổi chiều, em chọn hình ảnh dễ thực hiện để vẽ theo hướng dẫn của cô. Sau đó, hình ảnh được trau chuốt, tô màu và hoàn thiện. "Nhìn các sản phẩm bắt mắt được các em lớp dưới yêu thích, cùng bạn bè chơi đùa em rất vui và nhận ra bản thân đã làm được một việc ý nghĩa", Khánh Nguyên nói.
Sáng tạo để em yêu trường lớp
Từ sự phối hợp ăn ý của cô và trò, hơn chục trò vận động, trò chơi dân gian đều được tích hợp nội dung, kiến thức kỹ năng sống, an toàn cho trẻ. Các trò chơi đã góp thêm vào sân chơi hè của thiếu nhi trở nên sinh động, hào hứng.
Em Bùi Ngọc Gia Hân, học sinh Trường TH Cao Văn Ngọc bộc bạch: “Sân chơi có nhiều điểm thú vị. Em vừa có thể chơi, vừa học được cách phòng chống xâm hại, đuối nước để an toàn cho bản thân. Màu sắc các hình vẽ, ô vuông, tròn rất đẹp nên em cũng thích nhìn ngắm và vẽ lại khi về nhà để khoe với ba mẹ”.
Bên cạnh sân chơi Vui khỏe - an toàn - rèn luyện kỹ năng cho thiếu nhi, những năm qua, nhiều sân chơi ý nghĩa khác đã được Liên Đội Trường TH Cao Văn Ngọc thực hiện. Đó là mô hình cây nghìn việc tốt, nhật ký báo Đội, 30 phút vàng… được Hội đồng Đội tỉnh đánh giá cao và nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ Hội đồng Đội các cấp. Liên Đội cũng xuất sắc là đơn vị dẫn đầu trong công tác Đội và phong trào thanh thiếu nhi.
|
Theo cô Lê Thị Cẩm Nhung, GV Tổng phụ trách Đội, đã có nhiều nỗi băn khoăn của cả phụ huynh và giáo viên khi năm học 2023-2024 kết thúc, một mùa hè nữa lại bắt đầu. Trong những ngày hè, trẻ đối mặt nhiều mối nguy hiểm rình rập xung quanh. Với sân chơi này, thiếu nhi là học sinh của trường và thiếu nhi tại địa phương có thể đến trường tham gia. Các em được rèn luyện kỹ năng, chơi các trò chơi vận động. Bên cạnh đó, việc lồng ghép các nội dung về giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước vào sân chơi giúp cho thiếu nhi vừa học vừa chơi. Khi được vui chơi và tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, trẻ sẽ ghi nhớ được lâu hơn và dễ dàng đưa lý thuyết vào thực hành khi có những tình huống xảy ra.
Bài, ảnh: MAI NGỌC